Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:30 GMT+7

Chính phủ Đài Loan nên hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất tấm pin mặt trời

10/05/2016

Các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở Đài Loan nên nỗ lực hơn nữa để làm cho mình trở nên khác biệt với đối thủ từ các nước khác.

Các nhà nghiên cứu của trường đại hoc Exeter vừa khuyến nghị chính phủ Đài Loan nên trợ cấp cho ngành công nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời để giúp ngành này có thể tồn tại được. Theo một nghiên cứu mới đây, việc sản xuất tấm pin mặt trời ở Đài Loan không có tính cạnh tranh và nhà sản xuất nên được hỗ trợ thông qua nghiên cứu, phát triển. 

Các chuyên gia cũng khuyến nghị các nhà hoạt động chính trị nên hỗ trợ để các công ty có thể phát triển công nghệ hiện đại tiên tiến, sử dụng những tiến bộ khoa học, phương thức sản xuất mới của nước ngoài. Chính phủ Đài Loan nên khuyến khích các giáo sư đại học chia sẻ chuyên môn với các cán bộ làm việc trong lĩnh vực sản xuất tấm pin mặt trời.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở Đài Loan nên nỗ lực hơn nữa để làm cho mình trở nên khác biệt với đối thủ từ các nước khác. 

Lĩnh vực sản xuất bị tác động mạnh mẽ bởi chính sách của chính phủ. Công nghệ “xanh” đang trở nên phổ biến khi nhiều chính phủ đầu tư vào các chính sách để khuyến khích một ngành công nghiệp năng lượng mới do thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chi phí điện năng được sản xuất từ tấm pin mặt trời hiện vẫn cao hơn năng lượng hạt nhân, than đá và khí gas. Tuy nhiên, các tấm pin này đang trở nên phổ biến ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản và Trung Quốc. Các tấm pin này cũng đang được lắp đặt ngày càng nhiều tại các hộ gia đình ở Mỹ. 

Giáo sư Jeff Jia đến từ đại học Exeter Business School cùng hai giáo sư Hui Sun và Lenny Koh đến từ đại học Sheffield School of Management đã tiến hành một nghiên cứu được cho là nghiên cứu so sánh chi tiết đầu tiên về chính sách, công nghiệp và chuỗi cung ứng ở Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ.

Các giáo sư đã tìm ra điểm mạnh duy nhất của các nhà sản xuất ở Đài Loan là nằm ở sản xuất tế bào năng lượng mặt trời nhưng dần dần họ có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay trong việc sản xuất này.

Năm 2000, thị trường pin mặt trời trên toàn cầu đạt trị giá 2,5 tỉ đô la nhưng giá trị này đã bùng nổ trong 15 năm qua do nhu cầu thế giới tăng mạnh mẽ. Năm 2011, giá trị thị trường đã tăng lên 91,6 tỉ đô la. Năm 2012, suy thoái kinh tế khiến cho thị trường pin mặt trời giảm 13% xuống còn 79,7 tỉ đô la nhưng đến năm 2013 đã phục hồi 15% lên thành 91,3 tỉ đô la. 

Năm 2015, 56% thị phần toàn cầu của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời là ở châu Á. 5 quốc gia có nhu cầu cao nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức và Anh, chiếm 75% thị phần.

Ngọc Lan (theo solardaily.com)