Chủ nhật, 22/12/2024 | 18:25 GMT+7
Trong Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 21 tại Paris một lần nữa khẳng định vai trò của Công trình xanh đã và đang trở nên vô cùng quan trọng trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua chiến dịch mới Better build green (Xanh hóa công trình xây dựng) của Hội đồng công trình xanh thế giới. Đây cũng là trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 21 về BĐKH COP 21 tại Paris, nơi quy tụ các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và các đàm phán viên của Liên Hợp quốc.
Chiến dịch này, được mở đầu cho chuỗi đàm phán về BĐKH. Ngày đàm phán về công trình xây dựng được tổ chức với mục đích làm nổi bật vai trò quan trọng của công trình xanh trong việc giảm lượng khí thải và tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội nhằm hướng tới phương thức có hiệu quả chi phí tốt nhất để chống lại BĐKH.
Theo ông Terri Wills - Giám đốc Hội đồng công trình xanh thế giới, cho biết điểm nổi bật tại buổi đàm phán bao gồm những cơ hội lớn mà công trình xanh đóng góp cho nền kinh tế cũng như những cải thiện đối với con người về sức khỏe, hạnh phúc và năng suất lao động do công trình xanh mang lại. Ước tính rằng với các đặc tính xanh như cải thiện chất lượng không khí bên trong công trình giúp tăng 11% năng suất lao động.
Công trình xanh cũng chứng minh mang lại những tác động tích cực đối với môi trường trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Hội đồng công trình xanh thế giới và cơ quan Năng lượng quốc tế IEA đề xuất phải giảm 84 GT CO2 trước năm 2050 khi lĩnh vực xây dựng đóng góp trách nhiệm trong nỗ lực giảm thiểu nóng lên 20C trên toàn cầu. Hơn nữa, cùng ngày, Liên minh toàn cầu trong lĩnh vực công trình và xây dựng (Global ABC) đã ra mắt với mục tiêu đặt định hướng ở ngưỡng dưới 20C đối với ngành này.
Thông qua đó hầu hết các nước đều có chứng chỉ xác nhận Thiết kế đạt hiệu quả sử dụng năng lượng (LEED) là chứng chỉ danh tiếng và có giá trị nhất trong việc đánh giá các công trình xanh trên toàn cầu. LEED được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), trong đó cung cấp chứng nhận của bên thứ ba về việc một công trình có gọi là “xanh” hay không thông qua nhiều tiêu chí như: Độ “bền vững”; hiệu năng sử dụng nước; các giá trị về năng lượng và không khí; vật liệu - tài nguyên sử dụng; chất lượng của môi trường bên trong toà nhà; sự tiên tiến của thiết kế. Khái niệm độ “bền vững” ở đây được LEED đặc biệt coi trọng thông qua hệ thống cho điểm trong đó đánh giá rất cao những thiết kế trong suốt quá trình vận hành có ít tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên. Nằm trong danh sách giải Bạc, Vàng, Bạch Kim là các thiết kế được xem như là hình mẫu cho sự tiên tiến: không chỉ đáp ứng nhu cầu con người mà còn đảm bảo trân trọng thiên nhiên. Ở Mỹ, chứng chỉ LEED được cấp bởi USGBC. Ở Thái Lan chỉ có một vài Cty tư nhân đủ khả năng cấp chứng chỉ LEED. Thực trạng cho thấy chứng chỉ này có thể “mua” được bởi những nhà đầu tư muốn thu được sự chú ý cho thương hiệu của mình. Chính vì muốn đảm bảo cho sự công bằng, minh bạch trong việc phát triển xây dựng xanh của đất nước, một vài tổ chức mới bắt đầu vào cuộc.
Hiện tại, ngoài LEED thì ở Thái Lan có ba hệ thống riêng dùng để đánh giá và cấp chứng chỉ cho những công trình xanh. Phương thức đánh giá tài nguyên - môi trường được đề ra là kết quả hoạt động phối hợp giữa Bộ Năng lượng cùng Đại học Chulalongkorn với nền tảng là Tiêu chuẩn xanh. Năm 2010, một nhóm kỹ sư, kiến trúc sư đã cho ra mắt Hệ thống cho điểm tài nguyên - môi trường (Trees) và được vận hành bởi Viện công trình xanh Thái Lan. Cho tới nay, Trees là phương thức phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá và cấp chứng chỉ. Ngoài ra, Hiệp hội công trình xanh bền vững gần đây đã bắt tay làm việc với Hội đồng Tư vấn hạng mục xanh của Đức để nghiên cứu và áp dụng bộ Tiêu chuẩn Đức cho các công trình xây dựng ở Thái Lan.
Trong việc đánh giá công trình xanh, hệ thống Trees sử dụng phương thức tương tự như LEED, đó là đánh giá thông qua phương thức quản lý toà nhà, cảnh quan; hệ thống cấp - thoát và tuần hoàn nước; tài nguyên - vật liệu sử dụng cùng nhiều yếu tố khác nữa. Vậy đâu là cách để ghi điểm tối đa? Có nhiều ý kiến đưa ra nhưng thông thường thì những công trình sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tận dụng hệ thống giao thông công cộng thường được đánh giá cao bởi Trees.
Tuy vậy, ngoài việc chống BĐKH, giảm chi phí vận hành công trình thì chưa có bất cứ hình phạt nào dành cho các đối tượng không tuân thủ bộ Tiêu chuẩn xanh trong khi ưu đãi dành cho nhà phát triển công trình xanh thì bị hạn chế. Uỷ ban Kế hoạch Đầu tư Thái Lan đã đề xướng một vài cách để ghi nhận các dự án xanh thân thiện với môi trường như: Miễn hoàn toàn thuế thu nhập trong 8 năm (giảm 50% cho 5 năm tiếp theo); không phải đóng thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, máy móc; và tăng mức giảm thuế áp dụng cho chi phí vận chuyển, giá điện nước. Tuy nhiên, thời hạn để đăng kí tham gia gói ưu đãi này đã kết thúc vào ngày 31/12/2013.
Năm 2012, Quỹ bảo tồn năng lượng của Bộ Năng lượng (hợp tác cùng một vài ngân hàng) đã cho vay hơn 200 triệu USD. Gần 300 dự án đã được giúp đỡ về tài chính để có thể thiết kế và xây dựng những công trình xanh. Với việc đại chúng bắt đầu quan tâm tới ý tưởng tiết kiệm năng lượng thì các ngân hàng tư nhân cũng bắt đầu vào cuộc, cung cấp nguồn vốn vay cho các dự án xanh.
Tương tự, tại Singapore những đơn vị có thẩm quyền trong việc phát triển đô thị sẽ cho phép các dự án đạt Green Mark Plainum hoặc GoldPLUS có thể tăng diện tích sàn sử dụng so với thiết kế ban đầu, miễn là điều đó vẫn đảm bảo an toàn cho công trình.
Hiện tại có chưa đến 30 toà nhà ở Thái Lan nhận được chứng chỉ LEED hay Trees, và điều đáng nói là trong số đó không có bất cứ toà nhà để ở nào. Mặc dù hiện tại có hai dự án chung cư đang được xây dựng là The Circle và IDEO Mobi Sathon nhiều khả năng sẽ có được chứng chỉ Trees nhưng khi đem so sánh với Singapore, đất nước tính tới 01/01/2014 đã có hơn 1.800 toà nhà rải rác khắp đất nước đạt được chứng chỉ Green Mark (hệ thống chứng chỉ xanh được sử dụng tại Singapore). Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sự thiếu quan tâm trong việc phát triển các hệ thống chứng chỉ này là hậu quả của việc phát triển tự phát trên tinh thần tự nguyện, không như ở các bang ở Mỹ hay Singapore. Hệ thống pháp lý về công trình xanh đã được xây dựng và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Việc tiếp theo đặc biệt cần thiết đó chính là những ưu đãi cùng biện pháp răn đe để có được sự hợp tác rộng rãi hơn từ nhiều phía. Điều này ngày càng khẳng định mức độ cần thiết của các công trình xanh trước biến đổi khí hậu.
Theo Báo Xây Dựng