Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:52 GMT+7
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon đã kêu gọi toàn thế giới tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch lên gấp 2 lần hiện nay vào năm 2020 để hạn chế mức tăng nhiệt độ của toàn cầu dưới 2 độ C, đúng như mục tiêu đã đạt ra tại Hội nghị Paris.
Ngày 27/01/2016, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại New York, ông Ban Ki-moon đã có cuộc nói chuyện với hơn 500 nhà đầu tư trên toàn thế giới - những người có tổng tài sản lên đến hơn 22 nghìn tỷ đôla Mỹ.
Ông kêu gọi cộng đồng các nhà đầu tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu của mà Hội nghị Chống biến đổi khí hậu COP21 đã đặt ra và huy động một lượng vốn cần thiết để thúc đẩy toàn thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
"Hôm nay, tôi kêu gọi cộng đồng các nhà đầu tư tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu chống biến đối khí hậu của Hội nghị Paris và nắm bắt các cơ hội phát triển năng lượng sạch," ông Ban Ki-moon nói. "Tôi đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư ít nhất phải tăng nguồn kinh phí đầu tư vào năng lượng sạch lên gấp 2 lần hiện nay vào năm 2020."
"Năng lượng sạch đang phát triển, nhưng chưa đủ để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ nền kinh tế toàn thế giới bị gián đoạn nghiêm trọng và tính mạng của toàn nhân loại cũng đang bị đe dọa. Cộng đồng các nhà đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo đà cho toàn thế giới biến mục tiêu thành hiện thực."
Áp lực lớn
Năm 2015, nguồn vốn đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu đã đạt mức kỷ lục, lên tới 329 tỷ đôla Mỹ. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế vẫn yêu cầu tổng nguồn kinh phí đầu tư vào năng lượng sạch tăng lên đến 16.5 nghìn tỷ đôla vào năm 2030.
Các nhà đầu tư lớn trên thế giới, những người có tổng tài sản lên đến 22 nghìn tỷ đôla Mỹ đã làm lượng khí thải cacbon mà các doanh nghiệp trên toàn thế giới giảm đi 641 triệu tấn thông qua việc hợp tác với tổ chức phi chính phủ CDP trong sáng kiến Hành động chống lại khí nhà kính. Trong khi đó, các nhà đầu tư bao gồm công ty bảo hiểm Aviva, quỹ nhà nước và quỹ tư nhân ở Anh, Na Uy và Pháp đã thành lập một liên minh để kêu gọi các tập đoàn lớn nhất thế giới sử dụng 100% điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Trả phí cho việc thải ra khí CO2
Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, thư ký hành pháp của Liên Hợp Quốc, bà Christiana Figueres cũng đưa ra đề nghị về việc tính phí cho lượng khí CO2 mà các doanh nghiệp thải ra. Tuy nhiên, bà Figueres nhấn mạnh, chính phủ các nước không nên bắt buộc mà nên khuyến khích các doanh nghiệp tự giác thực hiện biện pháp này.
"Các nhà đầu tư là kiến trúc sư của tương lai. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo có thể giúp chúng ta thúc đẩy nền kinh tế," bà Figueres nói.
"Chúng ta không thể đầu tư vào các nguồn năng lượng một cách tùy tiên. Chúng ta không có đủ khả năng để sử dụng dầu mỏ, khí đốt và than đá. Lượng khí nhà kính mà các nguồn năng lượng này thải ra khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình."
Diệp Anh (Theo Edie.net)