Thứ bảy, 23/11/2024 | 11:41 GMT+7
Ngân hàng Phát triển và tái cấu trúc Châu Âu (EBRD) cùng Quỹ công nghệ sạch (CTF) đang triển khai chương trình hỗ trợ khu vực địa nhiệt tại Thổ Nhĩ Kỳ thông qua cấp vốn để tiến hành khai thác. Việc này đã được công bố tại Diễn đàn hiệu quả năng lượng tổ chức tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tiến sĩ Adonal Herrera-Martinez, quản lý cấp cao của nhóm Hiệu quả năng lượng và biến đổi khí hậu EBRD cho biết: “EBRD là định chế tài chính đầu tiên trên thế giới hỗ trợ các nhà phát triển địa nhiệt tư nhân. Mục đích của chúng tôi là giải phóng số năng lượng tái tạo khổng lồ đang mắc kẹt sâu dưới lòng đất, đồng thơi thu hút đầu tư tư nhân và huy động vốn từ ngân hàng tại khu vực này, hạn chế sự phụ thuộc hoàn toàn vào vốn của nhà nước.”
Các dự án địa nhiệt phải đối mặt với nhiều rủi ro đặc biệt là trong giai đoạn đầu, bao gồm cả chi phí đầu tư, rủi ro phát triển và hạn chế về vốn đầu tư xây dựng nhà máy sau khi xác định được nguồn năng lượng.
Sáng kiến có tên PLUTO trị giá 125 tỉ USD sẽ giúp hỗ trợ tài chính và đưa ra tư vấn cho cac nhà phát triển tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro khi khai thác nguồn năng lượng này . Sáng kiến này bao gồm 100 triệu USD từ EBRD và 25 triệu USD từ CTF. Chương trình nằm trong kế hoạch thúc đẩy các ngân hàng phát triển đa quốc gia trên thế giới tăng tỉ trọng sản xuất năng lượng địa nhiệt.
PLUTO được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ dùng vốn của CTF để khám phá nguồn địa nhiệt. Nếu việc khám phá thành công, EBRD sẽ cấp vốn cho các giai sau để thực hiện khoan giếng và xây dựng nhà máy năng lượng.
PLUTO đặt mục tiêu phát triển 5 nhà máy địa nhiệt mới với tổng công suất đạt ít nhất 60 MW, sản xuất hơn 450 GWh điện năng mỗi năm. Việc này sẽ làm tăng công suất địa nhiệt vốn có của Thổ Nhĩ Kì thêm 10%, từ đó đóng góp đáng kể trong việc đạt mục tiêu năng lượng tái tạo của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sản xuất 30% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trong đó 34 GW từ thủy năng, 20 GW từ phong năng, 5 GW từ mặt trời, 1 GW từ sinh khối và 1GW từ địa nhiệt.
Tính đến tháng 1/2016, khoảng 600MW công suất địa nhiệt đã được lắp đặt tại nước này, tương đương với 13% tiềm năng sản xuất địa nhiệt (ước tính khoảng 4,5 GW) của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn tài nguyên này chủ yếu tập trung ở phía Tây Anatonia.
Trước đây EBRD đã cấp vốn cho 6 nhà máy điện địa nhiệt của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các ngân hàng thương mại. Định chế này cũng cấp vốn cho nhà máy điện địa nhiệt Efeler, nhà máy lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ và lớn thứ 2 tại Châu Âu.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo là ưu tiên chiến lược của EBRD tại Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nước này đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng cao và hạn chế phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đắt đỏ. Kể từ năm 2009, gần một nửa danh mục đầu tư của EBRD tại Thổ Nhĩ Kì là vào năng lượng tái tạo, cụ thể họ đã chi ra 2,8 tỉ Euro, góp phần xây dựng 2 trang trại gió lớn nhất nước này.
EBRD cũng đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ "Kế hoạch hành động quốc gia về năng lượng tái tạo" của nước này nhằm thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Hạnh Nguyễn (Theo Renewable Energy Magazine)