Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:07 GMT+7
Hiệp hội Thương mại năng lượng mặt trời (STA) cảnh báo chính phủ Anh phải nhanh chóng thay đổi chính sách về mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon để thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính và giảm hóa đơn tiền điện cho người dân trong nhiều thập kỷ tới.
Hiệp hội STA đã thẳng thắn đưa ra quan điểm này tại chương trình "Xem xét loại bỏ thói quan liêu trong ngành xây dựng nhà ở" do chính phủ Anh tổ chức. Tại chương trình này, hiệp hội đã kêu gọi chính phủ ủng hộ tiêu chuẩn nhà ở bền vững.
Hiệp hội STA cho biết: "Hiện nay, chính phủ chỉ quan tâm đến việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nhà ở thấp sẽ dẫn đến việc nhà ở thải ra lượng khí CO2 lớn và tiêu thụ nhiều điện năng, khiến người dân phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho hóa đơn tiền điện trong nhiều thập kỷ tới".
"Tiêu chuẩn nhà ở bền vững sẽ thúc đẩy các công nghệ thải ra lượng khí nhà kính thấp hoặc không thải ra khí nhà kính phát triển. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ không dừng việc xây dựng nhà ở lại chỉ vì tiêu chuẩn đối với nhà ở cao hơn," hiệp hội STA nói.
Hiệp hội còn bổ sung thêm rằng, tiêu chuẩn nhà ở bền vững sẽ tiếp tục thúc đẩy công nghệ năng lượng mặt trời phát triển.
Chính sách đối với mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon đã bị hủy bỏ vào cuối tháng bảy, chỉ một tuần sau khi Ủy ban về biến đổi khí hậu đề nghị chính phủ ủng hộ tiêu chuẩn nhà ở bền vững trong báo cáo trình Quốc hội.
Ông Mike Landy, người đứng đầu ban chính sách của hiệp hội STA cho biết: "Việc hủy bỏ chính sách đối với mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon vào tháng Bảy năm 2015 là một trong những hành động khó hiểu nhất của chính phủ. Trong kế hoạch phát triển nhà ở không thải ra khí nhà kính kéo dài 10 năm, chúng tôi đã đi được quá nửa chặng đường. Hàng trăm doanh nghiệp xây dựng khác cũng đang thực hiện dự án của mình. Việc hủy bỏ chính sách này đã tạo ra một khoảng trống lớn và đến giờ, chính phủ vẫn chưa đưa ra lý do cho quyết định của mình."
"Việc sử dụng năng lượng mặt trời rất phù hợp với mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon và sẽ trở thành một tính năng tiêu chuẩn đối với nhà ở mới. Chi phí lắp đặt hệ thống thu năng lượng mặt trời đã giảm 70% từ năm 2010 và việc tiết kiệm được môt khoản tiền lớn từ hóa đơn tiền điện hàng năm sẽ giúp người sử dụng hệ thống thu năng lượng mặt trời nhanh chóng hoàn lại được khoản vốn đầu tư ban đầu".
Gần đây, Hội đồng Công trình Xanh Anh (UKGBC) đã đưa ra một dự án mới nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính xem xét hiệu suất năng lượng của các ngôi nhà bởi nhà ở thải ra lượng khí CO2 thấp sẽ rất hấp dẫn đối với khách hàng nhờ việc giúp họ giảm chi phí điện năng.
Tiềm năng cho mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon
Dự án được đầu tư lên đến 1.1 tỷ bảng Anh giữa các công ty chuyên phát triển năng lượng mặt trời của Anh là WElink Energy và British Solar Renewables và tập đoàn quốc gia về vật liệu xây dựng của Trung Quốc nhằm xây dựng 8,000 ngôi nhà không thải ra khí cacbon ở Anh là minh chứng cho việc mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon rất có tiền năng.
Trên toàn thế giới, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ hơn một phần ba năng lượng toàn cầu và thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất ở hầu hết các quốc gia. Ngành công nghiệp xây dựng nhà ở của Anh đã có nhiều bước tiến trong lĩnh vực này. Gầy đây, Anh đã tung ra một dự án mới nhằm tối đa hóa hiệu suất tòa nhà về tiết kiệm năng lượng và giảm tác động đến môi trường.
Tuy nhiên, gần đây, việc phát triển mô hình nhà ở không thải ra khí cacbon lại bị chính các công ty xây dựng nhà ở trì hoãn. Đại diện công ty Crest Nicholson, một công ty xây dựng nhà ở ở tỉnh Surrey, đông bắc nước Anh phát biểu với báo điện tử Edie rằng: "Chính phủ nên tập trung cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà hiện có hơn là đầu tư nhiều công sức và tiền của để xây dựng nhà ở mới".
Ngọc Diệp