Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:14 GMT+7
New York vừa công bố rằng quỹ Năng lượng sạch của thành phố sẽ được đầu tư 5 tỷ đôla trong 10 năm để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ năng lượng sạch.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết quỹ Năng lượng sạch sẽ giúp bang New York thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi của toàn thành phố trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cắt giảm hóa đơn tiền điện cho người dân New York.
Ông Cuomo cho biết quỹ Năng lượng sạch có thể chứng minh rằng bang New York quan tâm đến vấn đề phát triển xanh hơn bao giờ hết. Ông cũng hi vọng quỹ Năng lượng sạch sẽ tiếp tục thu hút nhiều nguồn tài trợ để New York có thể sớm đạt được mục tiêu đáp ứng 50% nhu cầu điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.
"New York dẫn đầu toàn nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phát triển nền kinh tế xanh và bây giờ, chúng tôi lại tiếp tục đi trước một bước," ông Cuomo nói.
"Nguồn kinh phí lên tới 5 tỷ đôla đầu tư cho quỹ Năng lượng sạch sẽ thu hút hơn 29 tỷ đôla từ khu vực kinh tế tư nhân và mở ra nhiều cơ hội mới về năng lượng sạch cho những năm tiếp theo. Bang New York thậm chí còn vượt chỉ tiêu về việc sử dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm lượng khí thải nhà kính và sẽ tiếp tục là một tấm gương điển hình trong tương lai".
Mục tiêu phát triển xanh
Nhờ việc tập trung cải tiến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển các dự án năng lượng tái tạo, quỹ Năng lượng sạch sẽ giúp các doanh nghiệp và người dân tiết kiệm 39 tỷ đôla tiêu tốn cho chi phí năng lượng trong 10 năm tới.
Đồng thời, quỹ cũng làm cắt giảm 133 triệu tấn khí thải carbon - tương đương lượng khí nhà kính mà 1.8 triệu xe ô tô thải ra trên đường.
Sau New York, bang San Francisco và San Diego đều công bố những kế hoạch tương tự nhằm cắt giảm một nửa lượng khí thải cacbon trong vòng 20 năm tới.
Trong suốt Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP21 tại Paris, 640 thị trưởng đã tập trung để công bố kế hoạch của thành phố mình nhằm thực hiện mục tiêu chung là cắt giảm 3.7 tỷ tấn khí thải vào năm 2030.
Một báo cáo gần đây cho rằng các thành phố có thể là chìa khóa để cắt giảm lượng khí thải carbon toàn cầu. Các thành phố thông minh phát triển có khả năng tiết kiệm 22 nghìn tỷ đôla Mỹ và cắt giảm lượng khí CO2 tương đương với lượng khí nhà kính mà Ấn Độ thải ra hàng năm.
Ngọc Diệp