Chủ nhật, 24/11/2024 | 01:11 GMT+7
Nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và tái cơ cấu nền kinh tế, Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chương trình nhằm tiến tới chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, hướng đến năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường và hạn chế phát thải khí carbon.
Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch đạt 60% đến 70%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; hoạt động đổi mới sinh thái được triển khai thí điểm thành công trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từng bước mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng; tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP từ 42% đến 45%.
Chương trình cũng nhắm tới việc giảm thiểu việc phát sinh chất thải trong hoạt động phân phối, đồng thời nâng dần tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường trong cơ cấu hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, tiểu chuẩn phát triển bền vững của nhà nhập khẩu. Thực hiện tái chế 90% phế liệu nhửa, giấy, dầu thải và sắt thép trong nước.
Nhiệm vụ của chương trình cũng bao gồm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Chương trình mong muốn thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội mà tâm điểm là doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hạnh Nguyễn