Thứ bảy, 02/11/2024 | 10:34 GMT+7
Ai Cập tiếp tục thu hút vốn từ khu vực tư nhân và nước ngoài để hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo. Với việc điện gió và điện mặt trời đang được hưởng giá ưu đãi năng lượng tái tạo (feed-in-tarriff), cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng xanh tại Ai Cập lên đến 6 tỉ USD cho đến năm 2018.
Đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và áp lực về vấn đề cung dầu cho các nhà máy điện truyền thống, Ai Cập đang tập trung vào năng lượng tái tạo để đa dạng hóa cấu trúc năng lượng, vốn còn đang phụ thuộc nặng nề vào khí gas. Chính quyền Ai Cập nhắm đến việc sản xuất 20% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2020.
Tại thời điểm khó khăn này, năng lượng tái tạo càng lúc càng đóng vai trò quan trọng đối với Trung Đông và các nước Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập trong việc tái xây dựng, tái cấu trúc và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Ngân hàng đầu tư EFG Hermers, Ai Cập cần phải sản xuất thêm 8 gigawatt, dự kiến là 5.5 gigawatt từ năng lượng gió, 2.5 gigawatt từ năng lượng mặt trời. Ngân hàng này cũng cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất là khung pháp lý. Một khi có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai, các bên cho vay sẽ cảm thấy an tâm hơn đối với khu vực năng lượng tái tạo tại Ai Cập. Cần phải nhớ rằng 60 đến 75% nguồn vốn được cung cấp thông qua các khoản vay từ các tổ chức quốc tế.”
Hiện tại Ai Cập đang triển khai một số mô hình phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó bao gồm các thỏa thuận giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân, giá ưu đãi năng lượng tái tạo, các dự án BOO, BOT…
Ngân hàng EFG Hermes hiện đang xem xét việc thành lập quỹ năng lượng tái tạo trị giá 200 triệu USD để thúc đẩy các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Ai Cập nói riêng và Bắc Phi nói chung.
Hạnh Nguyễn (Theo Saudi Gazette)