Thứ bảy, 02/11/2024 | 08:25 GMT+7
Nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Iran sau khi lệnh trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ. Đan Mạch là một trong số các nước đang để mắt đến thị trường năng lượng tái tạo tại nơi đây. Ngoại trưởng Đan Mạch, Kristian Jensen, người đã đến thăm Tehran vào thứ 2 cùng với đại biểu của 58 doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu từ Đan Mạch đến Iran có thể tăng thêm gần 72 tỉ USD sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Bộ trưởng Năng lượng Iran, Hamid Chitchian, sau khi gặp gỡ ngoại trưởng Đan Mạch phát biểu rằng Đan Mạch đã đề xuất xây dựng tuabin gió tại Iran.
“Một số doanh nghiệp Đan Mạch đã chuẩn bị kế hoạch để xây dựng tuabin gió tại Iran đồng thời phân phối sản phẩm cho Iran và các công ty khác thông qua Iran.”
Ngành năng lượng tái tạo tại Iran vẫn còn rất non trẻ, loại năng lượng này chỉ đóng góp dưới 1% vào tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Còn dầu và khí tự nhiên chiếm 98% tính đến năm 2013. Tại Quốc gia đứng thứ 4 thế giới về dự trữ dầu thô và đứng thứ 2 toàn cầu về dự trữ khí tự nhiên thì tỉ trọng như vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Dù vậy, năng lượng tái tạo cũng đóng vai trò cực kì quan trọng đối với cấu trúc năng lượng của Iran, khi chính phủ dự tính lắp đặt 4.500 MW năng lượng gió và khoảng 500 MW năng lượng mặt trời thông quá Kế hoạch phát triển lần thứ 6. Trên thực tế, Tổ chức Năng lượng tái tạo Iran đã xác định được một số địa điểm tương lai có thể lắp đặt 15 GW năng lượng gió trong thời gian tới.
Ông Mostafa Rabie, thuộc tổ chức năng lượng Iran cho biết: “Iran có thể sản xuất 2/3 năng lượng thông qua năng lượng gió. Chính sách dài hạn trong thập kỉ tới (2015 – 2025) là cung cấp được 50% năng lượng thông qua năng lượng tái tạo, sinh khối cũng như các công nghệ xanh khác. Kế hoạch cũng bao gồm cải tiến các nhà máy năng lượng nhiệt đang hoạt động. Để đạt được công suất 5000 MW năng lượng tái tạo, Iran cần đầu tư trên 10 tỉ USD và việc huy động vốn vẫn là vấn đề nan giải. Để vượt qua thách thức này, Iran dự định thu hút đầu tư nước ngoài để giảm gánh nặng đầu tư trong nước. Tuy nhiên, điều này là không thể trừng nào lệnh trừng phạt còn chưa được dỡ bỏ. Hiện tại, hơn 19 dự án, tương đường hơn 1.5 tỉ USD đã được đề xuất."
Ngoài ra, còn có Ấn Độ cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Iran. Doanh nghiệp Suzlon Energy – một trong những công ty cung cấp tuabin lớn nhất thế giới cho biết vào năm 2015 rằng họ sẵn sàng xây trang trại điện gió tại Iran. Tuy nhiên, Suzlon cũng phải cạnh tranh với các nhà đầu tư Đức – những người cũng rất muốn phát triển năng lượng gió tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, trước tình hình các đại biểu Đan Mạch đến Iran để tìm kiếm sự hợp tác kinh tế lâu dài thông qua ngành năng lượng tái tạo, và chính phủ Iran cũng thể hiện ý muốn hợp tác với các chuyên gia Đan Mạch, nước này có thể qua mặt các đối thủ Đức và Ấn Độ trong thời gian tới.
Hạnh Nguyễn (Theo Oil Price)