Thứ tư, 06/11/2024 | 09:57 GMT+7

Năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2016

02/01/2016

Năng lượng gió và năng lượng mặt trời khả năng sẽ bùng nổ vào năm 2016

Năng lượng gió và năng lượng mặt trời khả năng sẽ bùng nổ khi các công trình năng lượng xanh liên tục được xây dựng, bất chấp việc nhiêu liệu hóa thạch xuống giá liên tục.

Việc lắp đặt các tuabin gió và pin mặt trời tăng đột biến trong năm 2015. Tiến bộ công nghệ cộng với chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư thuận lợi đã khiến các doanh nghiệp năng lượng mở rộng ra thị trường thế giới . Cổ phiếu của ngành năng lượng xanh đã nhảy vọt khi Quốc Hội Mỹ thông qua việc gia hạn tín dụng thuế đối với năng lượng tái tạo.

Đơn đặt hàng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào năm 2016 tăng mạnh tại nhiều nước, từ Mỹ, Trung Quốc đến những nền kinh tế đang phát triển như Châu Phi, Mỹ La Tinh, bất chấp giá than và khí tự nhiên đang giảm mạnh.

Anders Runevad, giám đốc điều hành của Vestas Wind Systems, nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới cho biết: “Chúng tôi thấy động năng tăng trưởng ở khắp nơi trên thế giới.” Cổ phiếu của Vestas cũng đã tăng gấp đôi trong năm 2015 trước lượng đơn đặt hàng tăng chóng mặt từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á.

Trong tháng 12, năng lượng gió tại Mỹ đã vượt ngưỡng 70 gigawatt với 50,000 tuabin hoạt động, cung cấp năng lượng cho 19 triệu hộ gia đình. Các nhà phân tích năng lượng cho biết sự bùng nổ này một phần nhờ công nghệ phát triển, giúp năng lượng gió và mặt trời tăng tính cạnh tranh so với nhiên liệu hóa thạch. Một yếu tố quan trọng khác là việc huy động vốn đã trở nên dễ dàng hơn khi phố Wall đẩy mạnh mua cổ phiếu ngành năng lượng xanh– điều này trước đây được đánh giá là có nhiều rủi ro. Trong tháng 11, Goldman Sachs tuyên bố sẽ đầu tư gấp 4 lần, lên đến 150 triệu USD vào năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, những dấu hiệu tích cực cho năng lượng tái tạo đến từ những vùng mà ít ai ngờ tới.

Điển hình là Trung Quốc, khu vực tiêu thụ than và phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Cơ quan năng lượng thế giới (IEA), cầu than đã giảm liên tiếp trong 2 năm, trong khi đó đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời nhảy vọt, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lên gần 350 gigawatt trong vòng 10 năm tới. Chính quyền cũng dự định sản xuất 200 gigawatt năng lượng mặt trời vào năm 2020.

Gần đây Ấn Độ cũng tiết lộ kế hoạch lắp đặt 175 gigawatt năng lượng tái tạo vào năm 2022. Các quốc gia Châu Phi cũng cam kết sẽ tăng công suất năng lượng xanh thêm 300 gigawatt vào năm 2030.

Các chuyên gia năng lượng nhận định một cách thận trọng rằng năng lượng tái tạo còn cả chặng đường dài phía trước. Cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ chiếm 6% tỉ trọng sản xuất năng lượng của Mỹ, 39% vẫn là than đá. Nhất là khi các doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục được chướng ngại lớn nhất đối với năng lượng tái tạo: làm sao để tích trữ năng lượng với giá thành thấp trong những ngày nhiều mây và lặng gió.

Hạnh Nguyễn (Theo Washington Post)