Thứ tư, 06/11/2024 | 11:33 GMT+7

Điện Hạt Nhân: Giải pháp cân bằng năng lượng cho Việt Nam trong tương lai

30/12/2015

Trong bối cảnh nhiều loại năng lượng đang dần cạn kiệt, điện hạt nhân được xem xét như một nguồn năng lượng thay thế, giúp cân bằng nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

Báo Vietnam+ nhận định, trong xu thế cả thế giới đối phó với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng truyền thống, hiện nay điện hạt nhân là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sử dụng công nghệ nhà máy điện hạt nhân từ các nước tiên tiến sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa phát triển.

Trả lời về tầm quan trọng của điện hạt nhân, ông Lê Doãn Phác, chuyên viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho Báo Công Thương biết, việc phát triển ĐHN nằm trong quy hoạch năng lượng của quốc gia trong bối cảnh không phải năng lượng nào cũng có sẵn. Nhiều loại năng lượng sẽ đến lúc cạn kiệt. Phát triển Điện hạt nhân là để giải bài toán cân bằng năng lượng chứ không phải tối ưu năng lượng. Khi nhiệt điện, thủy điện không đáp ứng được nhu cầu năng lượng, ĐHN được đưa vào xem xét như là một trong các nguồn năng lượng thay thế

Trong khi đó, ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân – Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định, việc phát triển Điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Không thể phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng. Các nhà quản lý luôn phải tính đến phương án rủi ro khi một loại năng lượng nào đó ngừng hoạt động và phải có một loại năng lượng khác thay thế.

Ngoài các chuyên gia trong nước, Phó Giáo sư ​tiến sỹ Pavel A.Belousov - Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga – MEPhI, cũng đánh giá cao tầm quan trọng của điện hạt nhân trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được xây dựng theo công nghệ của Nga

Ông cho rằng, năng lượng nguyên tử là một phần “lẽ sống” khi cơ cấu nguồn điện trên thế giới vẫn có một phần đóng góp thích đáng của điện hạt nhân. Loại năng lượng này có nhiều tính ưu việt như: không phát thải CO2, giải pháp kinh tế tối ưu, nguồn năng lượng sạch… Thậm chí, lò phản ứng hạt nhân đã được cải tiến để khử mặn nước biển thay vì nước sạch như trước đây và những thế hệ lò mới còn sản xuất hydro nhằm cung cấp nhiên liệu cho phương tiện giao thông năng lượng sạch.

Phó giáo sư cũng chia sẻ, điện hạt nhân xứng đáng được ưu tiên trong nỗ lực tăng trưởng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng mà các chính phủ mọi quốc gia đang theo đuổi.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai dự án nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại huyện Thuận Nam, nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại huyện Ninh Hải. Tổng công suất dự kiến phát triển quy mô khoảng 4.000 MW cho mỗi nhà máy. Hai nhà máy sử dụng là công nghệ lò nước nhẹ, nhiên liệu nhập khẩu và được đấu nối với lưới điện quốc gia bằng cấp điện áp 500kV.

Ngọc Diệp (Tổng hợp)