Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:57 GMT+7

Chấm dứt kỷ nguyên vàng của Than đá

30/12/2015

Sau Thượng đỉnh toàn cầu về Khí hậu tại Paris (đầu tháng 12/2015), toàn thể cộng đồng quốc tế hứa hẹn sẽ chung sức để giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C. ết

Theo một báo cáo của cơ quan năng lượng quốc tế (AIE), công bố ngày 18/12/2015, được AFP dẫn lại, một loạt các chỉ báo cho thấy xu thế sử dụng than sẽ chững hẳn trên toàn thế giới vào ngưỡng cửa 2020, với mức tiêu thụ 5,8 tỷ tấn, tức khoảng 500 nghìn tấn ít hơn so với các dự báo trước đó.

Tốc độ tăng trưởng của nhu cầu than trên thế giới sẽ chỉ tăng trung bình hàng năm là 0,8% từ nay đến 2020 (so với mức 2,1% theo dự đoán cách nay 1 năm) (theo Les Echos). Tỉ lệ tăng trưởng của nhu cầu than giữa 2010 và 2013 là 3,3%. Tỉ trọng than trong toàn bộ các năng lượng dùng để sản xuất điện dự kiến cũng sẽ sụt giảm (37% so với 41% hiện nay).

Nhà máy điện chạy bằng than Belchatow, Ba Lan, được coi là lớn nhất Châu Âu.

Theo cơ quan năng lượng quốc tế, có nhiều yếu tố giải thích được sự thoái lùi của loại hình năng lượng từng một thời rất được ưa chuộng, với tên gọi "vàng đen".

Thứ nhất là các đòi hỏi về môi trường trở nên khắc nghiệt hơn khiến việc dùng than phải vượt qua không ít cửa ải. Thứ hai là việc giá dầu sụt giảm mạnh, thêm vào đó là sự phát triển của các loại hình năng lượng tái tạo. Một nguyên nhân quan trọng cần được tính đến là nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than đứng đầu thế giới.

Nhu cầu than của Trung Quốc đạt đỉnh

Theo nhiều nhà quan sát, cho dù, chính quyền Trung Quốc vừa có quyết định khởi động 150 nhà máy chạy bằng than, thì về cơ bản quốc gia này cũng đang dần dần chia tay với loại hình năng lượng gây ô nhiễm trầm trọng nhất này. Theo một thống kê, kể từ năm nay, nhu cầu than đá của Trung Quốc có thể đã bắt đầu giảm, nói cách khác "đỉnh than" (Peak coal) của Trung Quốc đã bị vượt qua. 

Trung Quốc, với khoảng hơn 4 tỷ tấn than tiêu thụ hàng năm, chiếm một nửa nhu cầu thế giới về than. 70% sản lượng điện của Trung Quốc là nhờ than. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc cộng với việc chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc - từ chỗ ưu tiên các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng chuyển sang nền kinh tế  dịch vụ - là nguồn gốc của hiện tượng này. Tình trạng ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng đã khiến nước này buộc phải giới hạn sử dụng than. Tính ra 100 triệu tấn than tiết kiệm, sẽ giúp khí quyển bớt đi được đến 180 triệu tấn khí cacbon.

Ấn Độ không đảo ngược được xu thế

Trong số các quốc gia trên thế giới, chỉ duy nhất có Ấn Độ là nước còn tiếp tục tăng mạnh việc sử dụng than. Trước năm 2020, Ấn Độ dự kiến sẽ còn sử dụng gấp đôi than, và vẫn còn tiếp tục dựa rất nhiều vào loại hình năng lượng rẻ tiền này trong nhiều thập niên tới.

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ than đứng thứ hai thế giới và quốc gia nhập khẩu than để sản xuất điện số một thế giới. Tuy nhiên, việc riêng Ấn Độ gia tăng dùng than không đủ để đảo ngược xu thế toàn cầu chia tay với than đá.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, mức giảm tiêu thụ than đá nói trên, và các loại hình năng lượng hóa thạch nói chung theo các cam kết và dự báo hiện tại, chắc chắn sẽ không đủ để giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ. Cứ đà phát triển hiện nay, nhiệt độ Trái đất rất có thể sẽ tăng xấp xỉ 2°C vào giữa thế kỷ này, với những đợt nóng hơn 40°C vào mùa hè tại Pháp (dự báo giả tưởng thời tiết ngày 18 tháng 8 năm 2050, theo kênh truyền hình Europe1).

 Ngọc Diệp (Theo RFI)