Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:39 GMT+7
Là tỉnh đặt dự án nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên trên cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phối hợp với các sở, ban ngành và cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân vùng dự án hiểu về ĐHN.
Ông Bùi Nhật Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là địa bàn được triển khai hai nhà máy ĐHN đầu tiên, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Ninh Thuận đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức để đóng góp vào quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN. Ngoài tăng cường các hợp tác quốc tế nhằm liên kết chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong việc triển khai thực hiện dự án này, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã rất chủ động triển khai công tác tuyên truyền trên toàn tỉnh và đặc biệt tại hai xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - nơi sẽ xây dựng hai nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta, thông qua các hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, họp dân phố, phát tờ rơi... Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông của tỉnh như Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận thực hiện công tác tuyên truyền.
Khảo sát khu vực triển khai nhà máy ĐHN Ninh Thuận
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, tỉnh thường xuyên phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận, Cục Năng lượng nguyên tử, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM), Công ty Năng lượng nguyên tử quốc tế Nhật Bản (JINED)… tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại vùng dự án, như “Hội thảo - Trưng bày Phát triển ĐHN”, “Hội thảo về phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận”, tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu về ĐHN cho các tổ chức chính trị, đoàn thể và người dân địa phương tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt… Từ nhiều năm qua, tỉnh Ninh Thuận cũng đã xây dựng nội dung, tiến hành điều tra dư luận xã hội về xây dựng nhà máy ĐHN trên địa bàn tỉnh, nhất là tại hai địa điểm triển khai hai dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2.
Thông qua các hoạt động trên toàn tỉnh đã nâng cao một bước nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, một bộ phận dân cư về vai trò của ĐHN trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. “Đến nay, đại bộ phận người dân ở Ninh Thuậnđã thể hiện sự đồng thuận với Nhà nước trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng hai Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2”, ông Nguyễn Phi Long -Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận khẳng định.
Ông Bùi Nhật Quang nhấn mạnh, phát triển ĐHN là một lĩnh vực còn rất mới tại Việt Nam, bởi vậy cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền. Người dân cần được biết về hiệu quả kinh tế cũng như các tác động tích cực, tiêu cực của ĐHN. Thông tin tuyên truyền về ĐHN không chỉ ở địa bàn xây dựng các nhà máy mà còn trên cả nước, là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh Ninh Thuận và nhiều bộ, ngành liên quan khác. Nhưng thông tin tuyên truyền cũng là việc tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Trong khi đó, Ninh Thuận còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội cho nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí tuyên truyền từ Nhà nước để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền.
“Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 370 thông qua phương án tài chính tài trợ thông tin tuyên truyền cho ĐHN với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Tôi cho rằng, cần có một cuộc họp liên ngành giữa cơ quan quan trọng nhất về kinh phí là Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì thực hiện đề án 370 là Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Ninh Thuận, để thống nhất cách thức giải ngân cụ thể, để địa phương có kinh phí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền”, ông Quang bày tỏ.
Theo Báo Công Thương