Thứ tư, 06/11/2024 | 11:42 GMT+7

Đà Nẵng: Xây dựng, thực hiện Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững

17/12/2015

Xây dựng Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững thành phố Đà Nẵng; hướng đến sự phát triển theo Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ ban hành

Chiều ngày 16/12, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Xây dựng Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững thành phố Đà Nẵng; hướng đến sự phát triển theo Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua.

Phát triển xanh trên mọi phương diện

Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững Đà Nẵng được Ngân hàng Thế giới đề xuất hỗ trợ cho Đà Nẵng xây dựng và thực hiện. Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hỗ trợ cho Đà Nẵng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên, dự án thoát nước, cải thiện điều kiện sống của người dân và nâng cao chất lượng đô thị. Đối với đề xuất hỗ trợ xây dựng Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững Đà Nẵng mong muốn làm cho Đà Nẵng trở thành một thành phố môi trường, bảo đảm về chất lượng đất, nguồn nước, không khí an toàn và lành mạnh cho người dân cũng như cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và sinh sống tại Đà Nẵng.

Theo đó Bộ chỉ số với 8 chủ đề xanh được đưa ra đó là: Giao thông xanh, nước uống sạch, quản lý chất thải rắn, không khí sạch, năng lượng tái tạo và CO2, sử dụng đất xanh, quản lý nước thải và nền kinh tế lành mạnh. Với mục tiêu cung cấp một cái nhìn tổng quan về các chỉ số xanh trên toàn thế giới, nơi chỉ số xanh được áp dụng và phát triển thành công có thể chuyển giao áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng.

8 chủ đề xanh được xây dựng trên 3 mục tiêu cơ bản hướng đến sự phát triển của thành phố Đà Nẵng đó là môi trường bền vững, cạnh tranh kinh tế lành mạnh, các điều kiện xã hội hợp lý và bình đẳng. Dựa trên thực tiễn trên thế giới, những mục tiêu này có thể được chuyển thành các chủ đề xanh có tác động lẫn nhau và cùng cung cấp một môi trường bền vững lâu dài.

Từ Bộ chỉ số này có thể giúp cho Đà Nẵng quản lý tốt hơn về tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái, đối phó được với rủi ro. Cũng thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân Đà Nẵng cũng như các tổ chức quốc tế sinh sống tại đây trong việc bảo vệ môi trường và phát triển thành phố Đà Nẵng lành mạnh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho rằng: Bộ chỉ số được tư vấn nghiên cứu đề xuất trên cơ sở kinh nghiệm phát triển xanh của các đô thị phát triển trên thế giới và trên cơ sở thực tiễn của thành phố Đà Nẵng hiện nay và cho thời gian tới. Mục tiêu của Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững là hướng đến việc xây dựng một môi trường bền vững, kinh tế lành mạnh và các điều kiện xã hội hợp lý, bình đẳng. Bộ chỉ số sẽ là thước đo hiệu quả giúp thành phố đánh giá và xây dựng kế hoạch thực hiện hướng đến một thành phố phát triển xanh, bền vững và hiện đại.

Kinh nghiệm từ các đô thị xanh trên thế giới

Ông Lê Văn Trung cho biết: Đây cũng vấn đề mới mẻ và lần đầu tiên được xây dựng và thực hiện tại một đô thị ở Việt Nam nên cần sự thảo luận, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành cùng xây dựng một Bộ chỉ số cho Đà Nẵng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế về các chủ đề xanh, các chỉ số cụ thể và ngưỡng phát triển xanh và bền vững của thành phố theo từng giai đoạn.

Đơn vị tư vấn cho Bộ chỉ số này là Tư vấn quốc tế HanoiTC & ConTranAB đã có những nghiên cứu, tham khảo thực tiễn tốt nhất từ các thành phố xanh hàng đầu trên thế giới, từ đó thiết lập những chỉ số phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Kinh nghiệm của thành phố Helsinki - Phần Lan trong phát triển xanh từ năm 1990 đến nay. Trong đó chú trọng đến việc tạo ra cơ cấu đô thị đông đúc hiệu quả về năng lượng, xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng có hiệu quả. Hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và xe buýt phát thải thấp; cải thiện chất lượng không khí; cải thiện về giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường với sự tham gia của cả cộng đồng.

Một trong những thành phố có những điểm tương đồng với Đà Nẵng nhiều mặt đó là Singapore cũng là một thành phố đáng để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Ở thành phố này phát triển hiệu quả với ít nguồn lực và xanh, không có ô nhiễm môi trường. Thành phố tăng trưởng theo hướng thân thiện với môi trường nơi cộng đồng dân cư sống có trách nhiệm hơn với môi trường.

Tất cả các thành phố xanh trên thế giới đều hướng đến một hệ thống giao thông xanh. Nơi mà phương tiện giao thông cá nhân chỉ có 20%, nơi mà 93% người dân đi làm lựa chọn phương tiện xe buýt với lượng phát thải thấp. Nơi mà chỉ cần chưa đến 350m là có các trạm giao thông công cộng. Đối với quản lý chất thải rắn sẽ được xử lý 100% và tái chế nó thành sản phẩm có ích.

Từ những kinh nghiệm của các thành phố xanh trên thế giới, trên các chỉ số nền và thực trạng hiện nay của thành phố, đơn vị tư vấn đã đưa ra các chỉ số xanh phù hợp cho hướng phát triển của thành phố.

Đối với giao thông xanh, tăng lượng phương tiện công cộng với lượng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Đến nay chỉ mới có 337,9km đường cho 11 tuyến gồm 160 xe chỉ đạt 40%. Theo Bộ chỉ số xanh thì phải đạt 497km đường cho 20 tuyến gồm 404 xe đạt 60% dân số sử dụng phương tiện công cộng. Tỷ lệ dân số sống hay làm việc trong phạm vi 500m có thể tiếp cận được trạm giao thông công cộng.

Tỷ lệ đất sử dụng cho giao thông đạt từ 20 - 30%. Dân thành thị sử dụng nước uống sạch đạt 100%, dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 95%. Hướng đến mục tiêu cấp nước của thành phố đạt 330.000m3/ngày/đêm. Sử dụng đất xanh với diện tích không gian xanh đô thị bình quân hiện nay là 6,1m2/người, hướng đến theo Bộ chỉ số là 15m2/người. Đảm bảo môi trường sống tốt cho cộng đồng, chống ồn, chống bụi, khuyến khích phát triển công trình xanh, đô thị xanh.

Năng lượng tái tạo và khí CO2 hiện nay ở chỉ số nền là 54%, hướng đến chỉ số xanh năm 2025 là trên 80%. Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ khai thác năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Đà Nẵng kỳ vọng Bộ chỉ số này sẽ là công cụ có hiệu quả trong xác định và thực hiện mục tiêu hướng tới một thành phố Đà Nẵng phát triển xanh, bền vững, thành phố môi trường, thành phố đáng sống vào năm 2025. Mong rằng Bộ chỉ số này sớm hình thành và để Đà Nẵng trở thành đô thị đầu tiên của cả nước xây dựng và thực hiện Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững này - ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói.

 

Nguyễn Nam (báo Xây dựng)