Thứ năm, 26/12/2024 | 19:05 GMT+7
Sau 18 tháng triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, tỉnh Bến Tre đã thực hiện được 2.380/3.600 công trình khí sinh học (biogas) loại từ 50 m3 trở xuống.
Với tiến độ như hiện tại, đến tháng 9/2016 dự án sẽ hoàn thành (kế hoạch đến năm 2018).
Ông Nguyễn Thái Nghĩa, điều phối viên BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Bến Tre cho biết, công trình khí sinh học đã tác động tích cực đến đời sống của từng nông hộ và cộng đồng. Người chăn nuôi tận dụng được nguồn khí gas, tạo ra năng lượng phục vụ cho việc đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện tiết kiệm được khoản phí rất lớn.
Ưu điểm của dự án là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ của người trực tiếp chăn nuôi và cộng đồng. Nước thải và bã cặn là nguồn phân hữu cơ sử dụng để tưới, bón cho các loại cây trồng rất hiệu quả, không bị ô nhiễm môi trường. Với lượng phân thải ra của 5 con trâu bò, hay 10 con heo hoặc 100 con gia cầm là nông dân có thể xây dựng một công trình khí sinh học quy mô nông hộ.
Giá trị kinh tế mà lượng khí sinh học mang lại chỉ tính riêng trong việc đun nấu sẽ giảm chi phí khoảng 3 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn nước thải tưới cho cây trồng sẽ thay thế lượng phân hóa học rất lớn. Chỉ sau 2 năm xây dựng công trình khí sinh học là có thể khấu trừ đủ vốn đầu tư. Việc chăn nuôi sẽ giảm giá thành khoảng 7%.
Mặt khác, phụ phẩm của thiết bị khí sinh học gồm nước thải và phân là những sản phẩm có giá trị thiết thực đối với SX nông nghiệp như sử dụng làm phân bón, nuôi nấm, xử lý hạt giống, làm thức ăn bổ sung cho gia súc, nuôi cá hoặc nuôi trùn quế.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp cho thấy, dùng phụ phẩm lỏng từ công trình khí sinh học phun trên lá giúp tăng năng suất cây trồng bình quân khoảng 10% so với bón trực tiếp vào đất. Nếu bón phối hợp với phân vô cơ sẽ làm tăng độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất.
Đồng thời, hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng NPK lên từ 10 - 30%. Ngoài ra, cách làm này cũng thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật, giữ phân cho đất, làm đất tơi xốp, tránh tình trạng đất bị chai do được bón quá nhiều phân hóa học.
Theo tính toán của nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh ở Bến Tre thì giảm chi phí phân bón mỗi năm khoảng 6 – 7 triệu đồng/ha. Với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải chăn nuôi vào sinh hoạt và SX thì công trình khí sinh học góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Bà Phan Thị Thu Sương, GĐ BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Bến Tre cho biết, để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua BQL đã phối hợp với hệ thống khuyến nông và các tổ chức, đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án....
Đến nay Bến Tre đã tổ chức 96 cuộc hội thảo giới thiệu dự án và hướng dẫn cách vận hành công trình khí sinh học cho 3.274 người tham dự; tổ chức 13 đội thợ xây với số lượng 5 - 10 người/đội. Với tiến độ triển khai như hiện nay thì dự án sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch 2 năm.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam