Thứ tư, 06/11/2024 | 15:57 GMT+7
Chính phủ Thụy Điển đang triển khai những mục tiêu năng lượng theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng năng lượng hóa thạch. Cuối tháng 9/2015, Thụy Điển công bố sẽ dành thêm 546 triệu USD đầu tư cho năng lượng tái tạo và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu vào năm 2016. Tham vọng của Thụy Điển này là trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Đặc biệt, ngân sách cho năng lượng mặt trời đã tăng 800%.
Hiện nay, hơn một nửa lượng điện năng mà Thụy Điển đang dùng được lấy từ nguồn nhiên liệu carbon thấy và sạch. Tiếp tục mục tiêu không dùng năng lượng hóa thạch Thụy Điển tiếp tục triển khai kế hoạch cắt giảm phát thải khí tới năm 2020.
Quốc gia này đang tập trung tăng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng bền vững trong tương lai. Năm 2014, Thụy Điển cũng đã công bố kế hoạch phát triển Stockholm thành thành phố không sử dụng năng lượng hóa thạch tới năm 2050.
Hãng tin Bloomberg cho biết: "Chính phủ Thụy Điển sẽ tăng hỗ trợ dành cho năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hệ thống dự trữ năng lượng, mạng lưới điện thông minh và hệ thống vận tải sạch." Được biết, đầu tư cho ngành quang điện của Thụy điển được hy vọng tăng gần 10 lần tới gần 50 triệu USD trong giai đoạn 2017-2019. Phần lớn nguồn ngân quỹ của quốc gia dành cho ngành năng lượng tái tạo được lấy từ nguồn thuế đánh nặng vào xăng và nhiên liệu điezen.
Tờ Ecologist ghi chú: "Thụy Điển đang triển khai kế hoạch đóng cửa những nhà máy hạt nhân, ngừng hoạt động tại các mỏ than và dành hàng tỷ USD cho việc cắt giảm phát thải khí nhà kính. Quốc gia này đang theo đuổi mong muốn trở thành quốc gia tiêu biểu tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP21."
Phát biểu tại Quốc hội Thụy Điển, Thủ tướng Stefan Löfven cho biết: "Trẻ em cần phải được lớn lên trong một môi trường không độc hại; những nguyên tác phòng tránh bệnh, việc giảm thiểu những vật chất nguy hiểm và các nhà chính trị cũng cần phải lấy năng lượng làm vấn đề nền móng để phát triển đất nước."
Thụy Điển được biết tới là đất nước thực hiện chương trình quản lí và tái chế rác thải tốt nhất thế giới. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, mỗi năm nước này sẽ thiếu khoảng 1,6 triệu tấn rác thải. Lý giải cho việc khan hiếm và phải nhập khẩu rác thải, bà Catarina Ostlund, Cố vấn cao cấp, Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cho biết: "Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ rác thải bị chôn xuống lòng đất ở Thụy Điển thấp như vậy là do nhà nước đã “biến” chúng thành những nguồn năng lượng phục vụ cho đời sống người dân". Hơn 25% trong tổng số 1 triệu hộ gia đình ở Thụy Điển sử dụng điện từ các nhà máy nhiệt điện đốt rác. Chính vì vậy hàng năm, hơn ba chục lò thiêu hủy đặt trên lãnh thổ Thụy Điển tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác, chất thải, trong đó 20% - tương đương khoảng 1 triệu tấn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Na Uy và Anh Quốc, hoặc từ Ý. |
Yến Lê (Tổng hợp)