Thứ tư, 06/11/2024 | 21:34 GMT+7

Việt Nam - Đan Mạch hợp tác về hiệu quả năng lượng và chống biến đổi khí hậu

29/06/2015

Đan Mạch và Việt Nam có nhiều dự án hợp tác được triển khai giữa Bộ Công Thương, Việt Nam với Đại sứ quán Đan Mạch, Bô Ngoại giao Đan Mạch, Bộ Khí hậu, Năng lượng và tòa nhà Đan Mạch.

Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực ứng phó chống biến đổi khí hậu và năng lượng. Nhiều dự án đã được triển khai giữa Bộ Công Thương, Việt Nam với Đại sứ quán Đan Mạch; Bô Ngoại giao Đan Mạch; Bộ Khí hậu, Năng lượng và tòa nhà Đan Mạch.

Để hiểu rõ hơn về sự hợp tác này, cũng như những hiệu quả đạt được, Trang Tietkiemnangluong.com.vn đã có bài phỏng vấn ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng. 

Việt Nam và Đan Mạch có nhiều hợp tác về ứng phó chống biến đổi khí hậu. Xin ông có thể nói rõ hơn về sự hợp tác giữa Bộ Công Thương – Việt Nam và Bộ Ngoại Giao – Đan Mạch trong lĩnh vực này?

Bộ Công Thương - Việt Nam và Bộ Ngoại Giao - Đan Mạch đã thực hiện chương trình hợp tác này trong nhiều năm. Từ năm 2008, Bộ Ngoại giao - Đan Mạch đã triển khai Dự án Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhằm hỗ trợ cho Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, Bộ Công Thương thực hiện hợp phần thứ hai là Giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong hợp phần này, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã hỗ trợ ngân sách cho Bộ Công Thương để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, trong hợp phần này, phía Đan Mạch cũng đã hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng khung chính sách thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã giúp Bộ Công Thương xây dựng bộ giáo trình tiêu chuẩn về đào tạo các kiểm toán viên năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng trong các DN sử dụng năng lượng trọng điểm. Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng Bộ giáo trình chuẩn này trong công tác đào tạo trong phạm vi của chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Được biết, ngoài việc hợp tác với Bộ Ngoại giao - Đan Mạch, Bộ Công Thương - Việt Nam còn hợp tác với Bộ Khí hậu, năng lượng và tòa nhà của nước này. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự hợp tác này?

Bộ Khí hậu, năng lượng và tòa nhà Đan Mạch đã hỗ trợ cho Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng triển khai Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE). Trong đó, Bộ Công Thương thực hiện hợp phần Thúc đẩy Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung cho 3 ngành nghề là gạch ngói, gốm sứ và chế biến thực phẩm.

Dự án này đã được triển khai từ năm 2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2017. Trong dự án này, ngoài việc hỗ trợ ngân sách cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự án cũng hình thành một quỹ Hỗ trợ Đầu tư Xanh, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Một hội thảo chính sách trong khuôn khổ Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng

Quỹ đầu tư này có quy mô 110 tỷ đồng. Dự kiến, quỹ sẽ triển khai cho vay vốn, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiên các dự án tiết kiệm năng lượng từ tháng 7-2015. Ngoài ra, dự án này cũng có hợp phần giúp Bộ Công Thương xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng tại các DNVVN tại Việt Nam, cũng như xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho các DN.

Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Khí hậu, năng lượng và tòa nhà Đan Mạch đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa 2 Bộ trong lĩnh vực năng lượng. Biên bản ghi nhớ sẽ tập trung vào hỗ trợ cho Việt Nam phát triển năng lượng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.    

Vậy sự hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Khí hậu, năng lượng và tòa nhà Đan Mạch đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa gì, thưa ông?

Chúng tôi luôn đề cao tính hiệu quả trong hợp tác với các tổ chức phát triển nói chung và Chính phủ Đan Mạch, Bộ Ngoại giao Đan Mạch và Bộ Khí hậu, năng lượng và tòa nhà Đan Mạch nói riêng.

Cụ thể, đối với Dự án chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE), bằng việc tạo ra Quỹ hỗ trợ các DNNVV, chúng tôi cùng Bộ Bộ Khí hậu, năng lượng và tòa nhà Đan Mạch đã tạo ra một công cụ tài chính hữu hiệu để thúc đẩy các dự án đầu tư vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các DN.

Dự án này hỗ trợ DN tiếp cận các khoản vay thông qua bảo lãnh ngân hàng 50% và cơ chế trả thưởng lến đến 30% giá trị khoản vay cho các dự án đạt được hiệu quả năng lượng theo cam kết. 

Xin cảm ơn ông!

Ngày 18-6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tòa nhà Đan Mạch và đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và năng lượng tái tạo.

Theo thỏa thuận này, Đan Mạch sẽ hỗ trợ xây dựng một báo cáo phân tích năng lượng mang tính chiến lược mới cho Chính phủ Việt Nam. Theo đó, các cơ quan Chính phủ và Viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ làm việc cùng các chuyên gia Đan Mạch xây dựng một mô hình tổng thể phục vụ việc phân tích và tối ưu hóa hệ thống năng lượng tại Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 25-6, Đại sứ quán Đan Mạch đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 ngân hàng Techcombank, BIDV và SCB. Đây là các ngân hàng cho vay tham gia vào Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh (GIF) thuộc dự án LCEE.

Thỏa thuận này sẽ hiện thực hóa chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh, hỗ trợ các DNVVN trong đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng và tăng độ tin cậy cho an ninh năng lượng quốc gia.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 90 DN liên hệ xin hỗ trợ tài chính từ Dự án LCEE. Trong đó, 20 DN đang được hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ và 8 DN đang được xem xét cho vay vốn.

Thanh Xuân