Thứ năm, 07/11/2024 | 03:48 GMT+7

Pháp hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế xanh

25/05/2015

Cơ quan Phát triển Pháp đã dành cho Việt Nam một một gói kỹ thuật xác định các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Ngoài khoản hỗ trợ 20 triệu euro ứng phó với biến đổi khí hậu, Cơ quan Phát triển Pháp đã dành cho Việt Nam một một gói kỹ thuật xác định các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành thép; chuẩn bị kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà tại TP Đà Nẵng và tổ chức các hội thảo về theo dõi chi tiêu công dành cho khí hậu, năng lượng tái tạo.

Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Việt Nam, ông Jean-Noël POIRIER, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam và ông Rémi GENEVEY, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, ngày 19-5, đã ký kết thỏa ước tín dụng cho khoản vay trị giá 20 triệu euro dành cho giai đoạn 5 của “Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu” - SP-RCC).

Khoản hỗ trợ ngân sách cho giai đoạn 5 này đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho chương trình SPRCC lên mức 100 triệu euro. 

Chương trình này hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các cải cách ngành nhằm chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả đồng thời khuyến khích sự phát triển có mức phát thải các bon thấp. Khoản hỗ trợ ngân sách cho chương trình SPRCC được giải ngân dựa theo kết quả thảo luận về các chính sách và cải cách được phê duyệt.

Việt Nam là một trong những nước bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu, nên mong chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia sang mô hình tăng trưởng xanh. Nhiều cải cách được hỗ trợ trong phạm vi chương trình SPRCC có thể được Việt Nam tận dụng trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Khí hậu Paris 2015 (Hội nghị Các bên lần thứ 21 - COP 21 sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015).

Trước đó, năm 2009, AFD và JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đã cùng khởi xướng chương trình SP-RCC thông qua đề xuất cấp hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ các hoạt động ứng phó chống biến đổi khí hậu. Sau đó, nhiều nhà tài trợ quốc tế đã cùng tham gia chương trình này, nhất là Ngân hàng Thế giới.

Cùng với khoản hỗ trợ ngân sách, AFD đã dành cho Chính phủ Việt Nam một hỗ trợ kỹ thuật, góp phần xác định các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành thép và chuẩn bị kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà của thành phố Đà Nẵng, hay tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa Pháp và Việt Nam về vấn đề theo dõi chi tiêu công dành cho khí hậu và năng lượng tái tạo.

Chống biến đổi khí hậu hiện là một trong những định hướng chiến lược cho hoạt động của AFD tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2006-2014, AFD đã dành cho Việt Nam 471 triệu euro cho 16 dự án phát triển có lợi ích kép về khí hậu: giảm thiểu (giao thông công cộng, năng lượng) cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu (chống lũ lụt, thủy lợi, nông nghiệp bảo tồn).

Là trụ cột trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức của Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Tổng mức cam kết hỗ trợ phát triển chính thức của tập đoàn AFD dành cho Việt Nam đã lên tới hơn 1,6 tỷ euro, cho 79 dự án.

Theo Nangluongvietnam.vn