Thứ bảy, 02/11/2024 | 07:35 GMT+7
Thời gian qua, Bộ GTVT đã quan tâm và có chính sách thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các chương trình, dự án triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới… và vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trước hết, phải kể đến biện pháp phát triển vận tải công cộng. Ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực để phát triển vận tải công cộng trong tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không bao gồm: Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, phát triển các loại hình vận tải mới như vận tải bánh sắt tại các đô thị nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Bộ GTVT đã quan tâm và có chính sách thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các chương trình, dự án.
Về biện pháp sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng; khai thác và mở rộng ứng dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học thay thế xăng, dầu. Những năm gần đây đã có một số dự án thí điểm tạo tiền đề tốt cho việc phát triển năng lượng sạch trong GTVT như ứng dụng ô tô điện vận chuyển khách trong nội thành Hà Nội; thí điểm nhiên liệu sinh học (xăng E5, Bio – diesel B5) cho phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; một số hãng taxi cũng đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (LPG) trong đó nhiều nhất là hãng taxi Dầu Khí.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu rút ngắn đường bay trong nước và quốc tế; thực hiện các giải pháp quản lý bay, quản lý khí thải… Kết quả là đã giảm được thời gian và tiết kiệm nhiên liệu bay.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã ban hành quy định về sử dụng điều hòa trên toa xe khách, tổ chức hợp lý hóa công tác điều hành sản xuất tận dụng tối đa công suất đầu kéo; bảo đảm công tác bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ và khoán mức tiêu thụ nhiên liệu cho các đơn vị; chỉ đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội triển khai định mức sử dụng nhiên liệu trong khai thác đầu máy có hiệu quả trong quá trình tổ chức, khai thác vận tải đường sắt; đưa chỉ tiêu tiết kiệmnhiên liệu là một nội dung xét thưởng thi đua của Tổng công ty. Kết quả là mỗi năm, Tổng công ty giảm khoảng 5% chi phí nhiên liệu.
Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng, cải tạo công trình giao thông cũng được chú trọng. Bộ GTVT đã định hướng đối với các chủ đầu tư, đơn vị tổ chức thi công khi lập, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông để triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu; sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, định ngạch bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công…
Việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong GTVT phụ thuộc rất nhiều vào tập quán, thói quen của người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông, phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông, ý thức tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, quản lý, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên, lãnh đạo ngành GTVT. Do đó, để các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống, nhiệm vụ quan trọng trước mắt và hàng đầu là tăng cường nâng cao nhận thức về văn hóa tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từng bước tạo dựng thói quen tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng.
Trong giai đoạn tới, để thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngành GTVT sẽ tăng cường ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; xây dựng và điều chỉnh hợp lý các định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình sản xuất, duy tu, bảo dưỡng các phương tiện giao thông; triển khai ứng dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe ô tô, tàu thuỷ, tàu hoả; phổ biến kỹ năng lái xe tiết kiệm năng lượng tại các trung tâm đào tạo lái xe và trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Theo Tạp chí Giao thông Vận tải