Thứ ba, 26/11/2024 | 14:06 GMT+7
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, việc tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xanh phát triển bền vững. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là một trong những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành công nghiệp chiếu sáng” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 22/4/2015, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng. Trong đó, giải pháp sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống hiện tại nhằm đáp ứng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm.
Theo số liệu thống kê, điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng hiện nay tại Việt Nam chiếm 35% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước, con số này trên thế giới vào khoảng 15- 17%.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về vai trò của tiết kiệm năng lượng đối với phát triển bền vững hướng đến nền kinh tế xanh, tạo ra nhiều việc làm xanh…, hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề về phát triển ngành công nghiệp chiếu sáng để có sản phẩm đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, gắn sản xuất với ứng dụng công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong nước và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Hội thảo nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành chiếu sáng sử dụng tiết kiệm năng lượng nói riêng…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn để liên quan đến các chính sách về tiết kiệm năng lượng và các giải pháp thực hiện, tình hình sử dụng điện chiếu sáng và những giải pháp sử dụng tiết kiệm điện.
Theo ông Lê Tuấn Phong - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, mức độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam cũng rất nhanh, khoảng 13%/năm vào năm 2010, sau 2011 do suy giảm kinh tế, tăng trưởng nhu cầu điện có giảm đôi chút nhưng vẫn đạt trên dưới 10%.
Theo quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam mất cân bằng năng lượng nội địa và trở thành nước nhập khẩu năng lượng tinh sau năm 2016. Trong khi nhu cầu tăng cao thì tiết kiệm điện sẽ là giải pháp cấp thiết. Sự tăng trưởng của nhu cầu điện cao gấp đôi so với tăng trưởng GDP, việc tiêu thụ năng lượng cho 1 giá trị sản phẩm hoặc cho 1 đồng USD sản xuất ra của Việt Nam cao rất nhiều so với các nước trên thế giới. Chính vì vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn.
Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đưa ra ý kiến: chúng tôi đánh giá cao việc đưa các sản phẩm tiên tiến vào sự phát triển của đất nước, ở đây là LED giúp tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng kinh tế xanh của đất nước, tiết kiệm điện hộ gia đình.
Theo PGS. TS Dương Ngọc Huyền – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đèn LED và chiếu sáng rắn đang được xem là lời giải cho chiếu sáng tương lai. Đèn LED hoạt động hiệu quả hơn trong việc chuyển điện thành ánh sáng, vì vậy chúng tiết kiệm năng lượng hơn và tỏa ít nhiệt hơn. Đặc biệt, một trong những lợi ích năng lượng hiệu quả chính của đèn LED là tỷ lệ chuyển hoá năng lượng thành ánh sáng cao hơn nhiều tỷ lệ chuyển hoá thành nhiệt.
Để chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020 đạt được mục tiêu đề ra, ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa Học và Công nghệ, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng cần phải tăng nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn này. Cùng với đó, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình/đề án/giải pháp tiết kiệm năng lượng, bố trí kinh phí hàng năm và nguồn nhân lực để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng cụ thể tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng; tiếp tục xây dựng các định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm…
Đổi mới công nghệ và sử dụng dụng năng lượng hiệu quả, hướng đến sự phát triển xanh và bền vững đang là một xu hướng phát triển chung của thế giới và Việt Nam và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh với 4 chủ đề chính gồm: xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát triển khí thải nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững; Việt Nam cũng là nước có hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ để thực thi các chính sách về sư dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào năm 2020. Chính vì vậy, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh ở việt nam là cần thiết. Trên thực tế, Việt Nam cũng đang điểu chỉnh chiến lược tăng trưởng kinh tế, xây dựng nền kinh tế xanh để đạt được các mục tiêu đã đề ra đó là tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, coi trọng bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tiết kiệm năng lượng đã được Đảng, Chính phủ và các tổ chức quốc tế xác định là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu để giải quyết bài toán phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh theo hướng hiện đại; tiết kiệm chi tiêu ngân sách cho địa phương, doanh nghiệp và người dân. |
Mai Anh