Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:46 GMT+7

Phong điện lên ngôi!

04/03/2015

Ngày 6/3/2015, Dự án phong điện Tây Nguyên lớn nhất nước ta với tổng công suất 120 MW sẽ chính khởi công

Ngày 6/3/2015, Dự án phong điện Tây Nguyên lớn nhất nước ta với tổng công suất 120 MW sẽ chính khởi công, mở ra nhiều vận hội cho địa phương cũng như cả vùng trong việc phát triển kinh tế, sử dụng năng lượng sạch; Tăng nguồn cung ứng điện trong tương lai nhất là cao điểm mùa khô hàng năm.

Điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1 và phát điện ổn định. 

Đây còn là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn: Khuyến khích phát triển năng lượng xanh, bền vững.

Tiềm năng lớn

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng năng lượng gió Việt Nam hơn 500.000 MW. Hiện nay, tổng công suất của toàn hệ thống điện Việt Nam mới chỉ bằng 1/20 tiềm năng điện gió. Những vùng có thể xây dựng cơ sở năng lượng điện gió  hiệu quả cao tập trung vào các tỉnh Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận được coi là những địa phương có tiềm năng lớn nhất với tốc độ gió từ 6-7m/s. Ở độ cao từ 60-80 m, tại đây có thể xây dựng nhiều trang trại gió với tổng công suất lên đến 9.500 MW, gấp 4 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La.

Còn tại Tây Nguyên, hướng gió thịnh hành ở Tây Nguyên, Đắk Lắk nói riêng là gió Đông, Đông Bắc vào mùa khô; gió Tây, Tây Nam vào mùa mưa; gió Đông Bắc thường thổi cấp 3, 4, mạnh nhất tới cấp 6, 7, gió Tây, Tây Nam thường thổi cấp 2, 3. Để đánh giá tiềm năng của điện gió khu vực này, thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư tiến hành lắp đặt cột đo gió tiến hành khảo sát và đầu tư nhà máy điện gió tại huyện Ea H’leo - Đắk Lắk. Kết quả tại các cột đo cho thấy vận tốc gió tại các khu vực này trung bình đạt 6m/s, có tháng lên đến 9,5 m/s, trong khi đó, để phát điện tại khu vực sâu trong đất liền với địa hình đồi núi như Đắk Lắk thì chỉ cần gió đạt tốc độ 6m/s. Đây là tiềm năng lớn để địa phương này phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế cao này.

Trước tiềm năng lớn như vậy, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nguồn năng lượng sạch, ngày 29/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án ĐG tại Việt Nam. Ngày 30/8/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt danh mục dự án “Quy hoạch phát triển Điện gió Việt Nam” từ nay đến năm 2018. Theo đó, nhiệm vụ cụ thể là đo gió và đánh giá tiềm năng gió; xây dựng kế hoạch phát triển và quy hoạch phát triển điện gió quốc gia và các địa phương. 

Cũng cần nói thêm, khu vực Tây Nguyên, tổng năng lượng gió có thể đạt 600 KWh/m2/năm, đây là nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả, vô hạn, định hướng của của ngành điện là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng của nguồn năng lượng này.

Lợi ích nhiều

Theo các chuyên gia, chi phí đầu tư cho điện gió cao hơn so với thủy điện, nhiệt điện do đòi hỏi cao về công nghệ, máy móc thiết bị, nên thời gian hoàn vốn kéo dài. Tuy nhiên, ưu thế của loại hình điện năng này là ít chiếm dụng đất vì chủ yếu là vùng hoang hóa, không ảnh hưởng đến diện tích rừng và thân thiện với môi trường. Trung bình 1 MW thủy điện lớn đã chiếm dụng hơn 14 ha đất các loại, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, 1 MW thủy điện nhỏ chiếm dụng gần 9 ha đất, trong khi đó, xây dựng 1 tua bin phát điện gió chỉ sử dụng 400 m² đất.

Thực tế tại địa phương như Đắk Lắk, các nhà máy thủy điện trên địa bàn hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng chạy máy vào mùa khô do thiếu nước. Như vậy rõ ràng hiệu quả là bằng không vì cao điểm mùa khô là lúc hệ thống điện quốc gia cần nhất nguồn cung thì lại không có. Còn vào mùa mưa, nhiều nhà máy thủy điện lớn đã dư thừa nên cũng không cần thủy điện nhỏ vào phát nữa. Điện gió thì lại khác, điện gió có thể hoạt động quanh năm vì lượng gió thời điểm yếu nhất là vào tháng 3, 4 vẫn đạt 5-6 m/s, đủ để phát điện. Về hiệu quả kinh tế, giá bán điện gió cho Tập đoàn điện lực Việt Nam hiện nay là 1.614 đồng/kWh, cao hơn so với thủy điện (trung bình 916 đồng/kWh, cao điểm mùa khô 954,52 đồng/kWh). Như vậy rõ ràng, phát triển điện gió là xu thế tất yếu.

Với phong điện Tây Nguyên là dự án điện gió tầm vóc và quy mô khởi công sau dự án điện gió Bạc Liêu, Phong điện Tây Nguyên được đặt tại xã Đlie Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk - là một trong ít nơi có nguồn năng lượng gió tốt nhất tại Việt Nam với hướng gió ổn định và phân bố đều ở mức trung bình là từ 7-7,6m/giây sẽ chính thức được khởi công vào ngày 6/3/2015.

Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2020, với tổng công suất 120 MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 28 MW, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, dự kiến sẽ phát điện vào tháng 6/2016, với sản lượng hơn 100 triệu kWh/năm. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đây sẽ là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất Việt Nam với sản lượng điện hàng năm lên đến 400 triệu kWh có khả năng cung cấp điện cho hàng trăm ngàn hộ dân. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được xây dựng trên diện tích gần 18,5 ha gồm các hạng mục nhà điều hành, trạm biến áp, cột gió, đường giao thông nội bộ, hệ thống đường dây 22 kV nối với trạm biến áp và đường dây 110 kV nối với lưới điện quốc gia. 

Trước đó, ngày 6/8/2014, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 6905/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung trang trại phong điện Tây Nguyên vào quy hoạch phát triển điện lực Đắk Lắk đến năm 2020. Sau khi hoàn thành 3 giai đoạn, đây sẽ là nhà máy điện gió lớn nhất cả nước.

Năng lượng sạch lên ngôi!

Ðiện gió được xem là nguồn năng lượng sạch vì trong quá trình sản xuất không phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân chủ yếu gây ra sự biến đổi khí hậu trên hành tinh xanh của chúng ta. Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác, điện gió là nguồn năng lượng của tương lai sẽ dần thay thế các dạng năng lượng truyền thống.

Như vậy các địa phương như Bình Thuận, Bạc Liêu hay Đắk Lắk đã định hướng phát triển đúng khi biết tận dụng nguồn năng lượng gió vô tận này, mang lại lợi ích to lớn, mở ra triển vọng to lớn về nguồn năng lượng sạch bảo vệ môi trường sống của nhân loại.

“Khu vực  Tây Nguyên có điều kiện và tiềm năng trong lĩnh vực điện gió. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương năm 2012, tổng công suất lắp đặt điện gió của Tây Nguyên chiếm khoảng 25% trên tổng sản lượng điện gió tiềm năng của quốc gia, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk và Gia Lai, chiếm 1.350MW công suất lắp đặt điện gió” - ông Trần Việt Hùng, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên chia sẻ.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quy hoạch điện VII) đã đặt ra mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 2% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6,0% vào năm 2030. Tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay dự kiến đạt 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030.

Như vậy, hy vọng với hàng loạt dự án đã đi vào hoạt động, ngày đêm đóng góp đáng kể nguồn năng lượng sạch cho hệ thống điện quốc gia thì những dự án đang và sẽ tiếp tục được đầu tư, triển khai xây dựng trong thời gian tới sẽ giúp cho dự phòng điện của nước ta được đảm bảo, an ninh năng lượng tiếp tục giữ vững.

Theo Icon.com.vn