Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:59 GMT+7
EU dành 90% khoản viện trợ 400 triệu euro, hỗ trợ Việt Nam phát triển điện khí hóa, ông Marcus Cornaro - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hợp tác Phát triển -Uỷ ban châu Âu, cho biết ngày 9/2.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), tháng 12/2014 chính thức khởi động chương trình "Viện trợ đa niên" (MIP) giai đoạn 2014-2020, nhằm giải quyết những thách thức phát triển mới mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Liên minh châu Âu đã quyết định khoản viện trợ không hoàn lại 400 triệu euro cho Việt Nam, giai đoạn 2014-2020, với điều kiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô và chi tiêu minh bạch.
Trong đó, EU dành tới 90% khoảng 350 triệu euro, hỗ trợ lĩnh vực điện khí hóa và 10% còn lại, khoảng 50 triệu euro hỗ trợ lĩnh vực quản trị công, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Theo ông Marcus Cornaro, giai đoạn hỗ trợ mới bắt đầu và dự án liên quan đến lĩnh vực năng lượng chuẩn bị hoàn thiện, dựa trên chiến lược quốc gia.
Sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu sẽ góp phần tạo nên một ngành công nghiệp năng lượng bền vững hơn, thông qua việc xúc tiến sử dụng các nguồn năng lượng thay thế sạch và hiệu quả.
Gói hỗ trợ hướng tới khu vực dân cư chưa được tiếp cận nguồn điện chiếm 3% tổng dân số và cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ mang điện đến với 64,577 hộ gia đình.
Cùng với đó, tới năm 2020, có 568,000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn sẽ được sử dụng điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế.
Việt Nam đang dùng rất nhiều than hóa thạch cho việc tăng trưởng, điều này tác động không tốt tới tình trạng ấm dần lên của toàn cầu. Vì vậy, EU cũng đồng thời xem xét vấn đề biến đổi khí hậu cũng như khí CO2.
Liên minh châu Âu đang là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nhưng ông Marcus Cornaro nói “vẫn có một số việc cần hoàn thiện”.
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt các cam kết và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cho phát triển, ông Marcus Cornaro nói “đó là lý do tăng tài trợ giai đoạn 2014-2020”.
Theo ông Marcus Cornaro, viện trợ phát triển cho Việt Nam là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu. Nhưng phía EU muốn được đảm bảo rằng, những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục thành công trong lĩnh vực hợp tác phát triển.
Cũng như tất cả các đối tác phát triển khác của EU, Việt Nam phải thực hiện 3 công việc để đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề cốt lõi, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam được hỗ trợ theo nguyên tắc của EU.
Thứ hai, xem xét khả năng nhận vốn ODA cũng như khả năng thực thi để có mô hình tăng trưởng hài hòa; đảm bảo tăng trưởng bền vững, giảm khoảng cách giàu nghèo; duy trì ở mức chấp nhận được giữa tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng xã hội.
Thứ ba, để tăng trưởng hài hòa, chính quyền phải có được hệ thống an sinh xã hội đáp ứng được nhu cầu của người dân, đảm bảo sự cân bằng trong phát triển bền vững.
Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được thiết lập ổn định, lạm phát, ngân sách được kiểm soát, dự trữ ngoại hối ổn định. Ông Marcus Cornaro cho “đó là phản ứng tốt” từ Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Theo Nangluongvietnam