Chủ nhật, 03/11/2024 | 00:28 GMT+7

Đan Mạch – Chú lính chì dũng cảm trong cuộc chiến không sử dụng than

27/01/2015

Đất nước Bắc Âu nhỏ bé với 5,6 triệu dân phấn đấu trở thành một đất nước phi nhiên liệu vào năm 2050, bao gồm cả lĩnh vực giao thông.

Đức đã ghi công lớn trong việc đưa châu Âu đến một tương lai không carbon, lấy năng lượng ttái tạp làm chủ đạo. Tuy nhiên, nhà vô địch thực sự của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lại là Đan Mạch khi nước này đặt kế hoạch sẽ đẩy nhanh việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, một bước đi mạnh mẽ hơn nhiều so với Đức.

Đan Mạch có thể sẽ đạt được mục tiêu nói trên vào năm 2025 – sớm 5 năm so với kế hoạch – đồng thời chuyển 70% điện năng sản xuất sang các nguồn năng lượng thay thế.

Đất nước Bắc Âu nhỏ bé với 5,6 triệu dân phấn đấu trở thành một đất nước phi nhiên liệu vào năm 2050, bao gồm cả lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, mặc dù theo đuổi những mục tiêu ấn tượng như vậy, Đan Mạch trước mắt vẫn phải phụ thuộc vào việc sử dụng than của nước Đức láng giềng – điểm được cho là gót chân Asin của chiến lược Chuyển đổi năng lượng sạch. 

Những bài học từ Đan Mạch

Có rất nhiều điểm mà phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Đức, có thể học hỏi được từ chính sách năng lượng tiến bộ của Đan Mạch, đặc biệt là nỗ lực chấm dứt sử dụng than của nước này. Ví dụ như, kể từ thập niên 90 của thế kỷ 19, Đan Mạch đã tiến những bước đầu tiên trong việc đổi mới năng lượng gió, khi một trong những nhà khoa học hàng đầu của nước này, Poul la Cour, bắt đầu sử dụng tuabin sức gió.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Đan Mạch nhận ra rằng gió là một nguồn năng lượng dồi dào mà nước này không bao giờ thiếu, dù Đan Mạch có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tương đối lớn ở biển Bắc. Năm 1956, một học trò của Poul la Cour đã phát minh ra loại tuabin  3 rotor, cho đến nay vẫn là một loại động cơ được thế giới ưa chuộng. 

Đan Mạch là một trong số ít quốc gia đã thực sự rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 và nỗ lực đối phó với những tồn tại và hạn chế trong chính sách năng lượng của mình.

Quốc gia Bắc Âu phải phụ thuộc 90% vào dầu mỏ nhập khẩu khi đó, đã nhận thấy những nguồn năng lượng tái tạo và việc giảm thiểu sử dụng dầu mỏ chính là giải pháp cho một nguồn cung cấp năng lương sạch hơn và ổn định hơn.

Năm 1985, một năm trước thảm hoạ hạt nhân Chernobyl, Đan Mạch đã cấm sử dụng năng lượng hạt nhân và bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn năng lượng thay thế, cũng như một cơ sở hạ tầng phục vụ sưởi ấm và truyền tải điện năng hiệu quả hơn. Vào thập niên 1990. Đan Mạch đề ra những mục tiêu lớn trong việc sản xuất năng lượng thay thế và bảo vệ môi trường, thông qua hệ thống trợ cấp, thuế xanh và một chương trình chứng nhận.

Nhà nước cũng đưa ra những khoản miễn giảm thuế cho hộ gia đình nếu họ tự sản xuất điện, từ đó làm dấy lên một phong trào người dân thực hiện các dự án điện gió quy mô nhỏ ở sân sau nhà mình. Người Đan Mạch cũng có thể tự mua những tuabin phát điện từ các nhà bán lẻ địa phương hoặc mua cổ phần trong các Hợp tác xã tuabin gió.  

Tính đến năm 2004, đã có hơn 150.000 người Đan Mạch sử dụng năng lượng tái tạo, thông qua hình thức hợp tác xã hoặc sử dụng tuabin riêng của mình.

Năng lượng gió hiện là hòn đá tảng của việc sản xuất năng lượng tái tạo của Đan Mạch, đồng thời cũng là một ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng. Những công viên gió thương mại quy mô lớn với những chiếc tuabin hiện đại và khổng lồ đang dần thay thế mô hình hộ dân cư. Các công ty chế tạo của Đan Mạch, như Vestas và Siemens Wind Power, bán tuabin của mình trên toàn thế giới. Ngày nay, gió ở cả vùng ven biển và nội địa – cùng với các loại năng lượng tái tạo khác – chiếm đến 43% điện năng sản xuất của Đan Mạch và đáp ứng gần 30% nhu cầu năng lượng của nước này.

Đan Mạch là nước có giá bán điện cao nhất châu Âu. Tuy nhiên, năng lượng gió nhận được sự ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội. Khoảng 96% người dân Đan Mạch ủng hộ kế hoạch mở rộng ngành năng lượng gió của Chính phủ, và khoảng 85% đồng thuận với kế hoạch này kể cả khi nó được diễn ra tại khu dân cư của mình.

Một thành phần quan trọng khác trong chiến công của Đan Mạch chính là mạng lưới cấp nhiệt, được ví như một nồi hơi khổng lồ cung cấp nhiệt năng cho toàn bộ khu phố và phân phối nó thông qua một mạng lưới các đường ống ngầm. Hầu hết người Đan Mạch không sở hữu nồi hơi gia đình, như người Đức. Thay vào đó, họ có một hệ thống nhiệt năng hiệu quả phủ rộng khắp toàn quốc đưa nước nóng đến hộ gia đình của từng hạt hành chính.

Hệ thống này cũng thu nhận và tái phân phối nguồn nhiệt năng dư thừa của các nhà máy sản xuất, nhà máy điện, hệ thống giao thông công cộng và nguồn năng lượng địa nhiệt. Bởi vậy, nhiệt năng của Đan Mạch trở nên rẻ hơn, hiệu quả hơn và ít phát thải carbon hơn.

Hiện nay, Đan Mạch xuất khẩu cả dầu mỏ và điện năng từ các nguồn tái tạo. Kể từ khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và hệ thống nhiệt năng cấp hạt đến nay, kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 78% - một bằng chứng sống động cho thấy việc chuyển đổi sang năng lượng sạch không hề cản trở sự phát triển.

Liệu có thể tiến đến một xã hội không sử dụng than?

Năm 2011, trong khi thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết chính phủ của bà sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Điện năng sản xuất bằng than và phát thải carbon lại có chiều hướng tăng lên. Nếu Đức không nhanh chóng thi hành những biện pháp thích hợp, lượng cắt giảm khí nhà kính vào năm 2020 sẽ thấp hơn mục tiêu mà nước này đặt ra khoảng 5 – 8%.

Công bằng mà nói, mục tiêu mà Đức tự đặt ra cho mình cao gấp đôi con số chung của Liên minh châu Âu. Mục tiêu này vốn được nhìn nhận là khả thi cho đến 3 năm trước đây, khi lượng phát thải gia tăng trở lại. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có vậy. Bất chấp việc Đức đã đạt được thành công trong chiến lược Chuyển đổi năng lượng tái tạo, nước này vẫn chưa có một kế hoạch hiệu quả để chấm dứt việc sử dụng than đá và than nâu. Hai nguồn năng lượng chiếm đến 45,5% lượng điện sản xuất. Điều này có thể khiến cho chiến lược Chuyển đổi năng lượng tái tạo trở thành tâm điểm chỉ trích.

Nền chính trị trong nước cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel  đang bảo vệ ngành công nghiệp than đang suy thoái ở nước này. 

Một báo cáo mới đây của Ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã cảnh báo về những hậu quả "không thể đảo ngược và không thể kiểm soát" của biến đổi khí hậu nếu nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 2 độ C.

Các chuyên gia năng lượng của Đan Mạch cho rằng, để nhanh chóng kết thức việc sử dụng than, Đan Mạch không nên nhập khẩu điện từ các nhà máy nhiệt điện than của nước Đức nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng hiện nay của các nhà máy điện đốt than trong nước.

Tuy nhiên, Đan Mạch chọn cách đầu tư nhiều hơn vào các loại pin xe điện và bể chứa nước nóng – loại công nghệ có khả năng lưu trữ năng lượng gió dư thừa – đồng thời thay thế than bằng nhà máy điện sinh khối đốt. Đây có lẽ sẽ là một biên pháp đầy tốn kém, song cuối cùng một Đan Mạch không sử dụng than sẽ là ngọn hải đăng không chỉ cho Đức và phần còn lại của châu Âu mà còn cho một thế giới đang tìm cách đối phó với thực tế của biến đổi khí hậu.

Anh Tuấn ( Theo Al Jazeera America )