Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:39 GMT+7

EU hỗ trợ Việt Nam tiết kiệm năng lượng

10/12/2014

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố, chính thức khởi động chương trình hợp tác phát triển mới tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020 với tổng giá trị gói hỗ trợ lên tới 400 triệu euro.

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố, chính thức khởi động chương trình hợp tác phát triển mới tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020 với tổng giá trị gói hỗ trợ lên tới 400 triệu euro. Ông Pierre Amilhat Cục trưởng Cục Châu Á, Trung Á/vùng Vịnh và Thái Bình Dương – thuộc Tổng cục Phát triển và Hợp tác (EU) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

af65a2fa1_eusetaptrunghotrovietnamtietkiemnangluong.jpg

Ông Pierre Amilhat (ở giữa) - Cục trưởng Cục Châu Á, Trung Á/ vùng Vịnh và Thái Bình Dương – thuộc Tổng cục Phát triển và Hợp tác (EU)

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua?

Có thể nói, chương trình hỗ trợ phát triển của EU tại Việt Nam trước đó đã rất thành công, các khoản tiền hỗ trợ được sử dụng rất hiệu quả.

Sau 20 năm kể từ khi EU trao những khoản viện trợ đầu tiên, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân. Thành tích trong việc đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc cùng với việc mới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp đã thể hiện rõ những thay đổi ấn tượng giúp Việt Nam có được vị thế như ngày hôm nay.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về phát triển và những thách thức trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam vẫn phức tạp, thể hiện trên nhiều phương diện. Vì vậy, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ và nhiều Bộ ngành của Việt Nam trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển.

Xin ông cho biết, khoản viện trợ 400 triệu euro mà EU dành cho Việt Nam giai đoạn này được tập trung vào những lĩnh vực nào?

Viện trợ phát triển cho Việt Nam là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu. EU đang là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Minh chứng cụ thể cho điều này là gói hỗ trợ của Chương trình Viện trợ đa niên (MIP) này tăng 30% so với giai đoạn 2007-2014.

Trong giai đoạn trước, EU chủ yếu dùng tiền viện trợ cho các lĩnh vực như y tế, viện trợ thương mại, pháp quyền và du lịch có trách nhiệm. Lần này, các khoản hỗ trợ sẽ tập trung vào lĩnh vực năng lượng bền vững, nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền. Theo đó, EU sẽ sử dụng 85% giá trị của gói hỗ trợ để giúp Việt Nam phát triển năng lượng bền vững và 15% còn lại cho nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền. Đây là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tại sao EU lại dành phần lớn gói hỗ trợ này cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng? Những kế hoạch cụ thể để thực hiện những hỗ trợ này trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng không hiệu quả tới 10% lượng điện năng sản xuất ra. Trong khi đó các bạn vẫn sử dụng nhiều nguồn năng lượng từ than đá và dầu lửa nên gây ảnh hưởng tới môi trường. Theo đó, EU sẽ góp phần tạo nên một ngành công nghiệp năng lượng bền vững hơn, thông qua việc xúc tiến sử dụng các nguồn năng lượng thay thế sạch và hiệu quả.

Chương trình sẽ hướng tới khu vực dân cư chưa được tiếp cận nguồn điện chiếm 3% tổng dân số. Từ nay đến năm 2020 sẽ mang điện đến với 64.577 hộ gia đình. Đến năm 2020, 568.000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn sẽ được sử dụng điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế.

Bên cạnh đó, về nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc chi tiêu công cần phải được công khai và minh bạch hơn nữa để người dân nắm được tài chính, ngân sách của Chính phủ. Vì vậy, EU sẽ giúp tăng cường tính dân chủ, củng cố hệ thống tư pháp và pháp luật, từ đó góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Mục tiêu này sẽ được thực hiện qua việc tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống luật pháp, đặc biệt đối với phụ nữ, người nghèo và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, tăng tính trách nhiệm, độ minh bạch, hiệu quả của hoạt động cung cấp dịch vụ công...

Tuy nhiên, Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện kỹ thuật nhất định để nhận được gói hỗ trợ này. Đó là Chính phủ Việt Nam phải ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự minh bạch trong chi tiêu nguồn viện trợ phát triển, phải thỏa mãn các tiêu chí về tài chính công mà phía EU đã đưa ra cho Việt Nam. Điều quan trọng là  gói hỗ trợ này không có lãi suất, nên sẽ không tạo thêm gánh nặng trả nợ cho Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo VEN