Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:08 GMT+7

Tìm giải pháp tài chính phát triển năng lượng gió

09/12/2014

Ngày 8/12 tại Hà Nội Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Công ty năng lượng toàn cầu - Vestas tổ chức Hội thảo "Năng lượng gió 2014".

Ngày 8/12 tại Hà Nội Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Công ty năng lượng toàn cầu - Vestas tổ chức Hội thảo "Năng lượng gió 2014".

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen cho biết, trước đây Đan Mạch cũng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên hơn 30 năm trở lại đây, Đan Mạch đã mạnh dạn chuyển đổi thành nền kinh tế độc lập về năng lượng dựa trên nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió.
9d7b88c0b_dsc_0018_90272.jpg
Ông Lê Tuấn Phong phát biểu tại Hội thảo

“Hiện nay năng lượng điện gió chiếm hơn 33% sản lượng điện được sử dụng tại Đan Mạch và đó là mức năng lượng gió được sử dụng lớn nhất trên thế giới. Điều này giúp duy trì tăng trưởng kinh tế không tăng thêm năng lượng mà còn giảm lượng phát thải khí CO2” – ông Đại sứ nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ của Đại sứ quán Đan Mạch trong việc tổ chức hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh, nhu cầu về năng lượng điện phục vụ cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai là rất lớn, trong khi đó nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa đang ngày càng cạn kiệt, biến động giá cả đã khiến thị trường năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới. Do đó, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đặt ra trong Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030. Theo đó phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện gió sẽ đạt 1.000 MW, chiếm 0,7% tổng sản lượng điện và đạt 6.200 MW vào năm 2030, chiếm 2,4% trong cơ cấu sản xuất điện của cả nước.

Trên thực tế, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm phát triển điện gió tại Việt Nam, tuy nhiên sau ba năm triển khai, điện gió vẫn chưa tạo được bước đột phá do còn nhiều rào cản như khả năng tiếp cận nguồn tài chính dài hạn; khả năng cung ứng thiết bị, dịch vụ phụ trợ cho các dự án đầu tư phát triển điện gió còn hạn chế...

Đồng ý với quan điểm này, ông Chris Beaufait - Chủ tịch Vestas khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc cho rằng, ngoài những thách thức về nguồn vốn, công nghệ thiết bị, Việt Nam còn hạn chế về khả năng thiết kế kết nối lưới điện, quản lý vận hành và bảo dưỡng nhằm đạt hiệu quả cao.

Với kinh nghiệm của mình tại Đan Mạch cũng như tại Việt Nam, Vestas cùng các đối tác sẽ chia sẻ các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật và tài chính giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ cho nhu cầu về năng lượng ngày một tăng cao của Việt Nam.

Được biết, sau Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tổ chức hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ những thông tin giải pháp trong lĩnh vực điện gió ở Việt Nam.

Theo Báo Công Thương