Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:13 GMT+7

Sử dụng xăng E5: Giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt

09/10/2014

ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, xăng sinh học thân thiện với môi trường, việc đẩy mạnh tiêu thụ sẽ góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.

Theo lộ trình của Chính phủ, từ 1/12/2014, xăng sinh học E5 (xăng E5) được bán tại 7 tỉnh, thành phố lớn trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đến 1/12/2015, xăng E5 sẽ được bán rộng rãi trên cả nước. Mặc dù hiện nay vẫn tồn tại tâm lý e ngại của người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng xăng sinh học thay vì xăng truyền thống. Nhưng qua nhiều kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định, sử dụng xăng sinh học không những tiết kiệm mà còn giúp động cơ hoạt động ổn định, bền hơn so với xăng truyền thống.


Nhiên liệu sạch phổ biến trên thế giới


Hiện nay nhiên liệu sinh học (NLSH) đang được sử dụng rộng rãi với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Vì mục đích môi trường mà nhiều nước mặc dù không sản xuất nhiên liệu sinh học nhưng vẫn bắt buộc sử dụng.


Tại Braxin, xăng E5 được thực hiện phối trộn vào những năm 1970, tỷ lệ bắt buộc nâng lên 22% năm 1993, và dao động từ 20 – 25% theo đạo luật năm 2003. Braxin cũng ban hành chính sách quy định bắt buộc các phương tiện phải sử dụng NLSH, ấn định mức giá ethanol thấp hơn so với xăng truyền thống. 


Hoa Kỳ cũng quy định bắt buộc và ưu đãi thuế cho việc sử dụng nhiên liệu giàu oxygen, trong đó có ethanol. Xăng E10 đã được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ từ cuối những năm 1970. Ở khu vực Châu Âu, Chỉ thị EC 2003/30 ban hành tháng 5/2003 yêu cầu các nước thành viên đạt một tỷ lệ tối thiểu cho nhiên liệu sinh học và nhiên liệu tái tạo khác trên thị trường của mỗi nước. Trên cơ sở Chỉ thị EC 2003/30, năm 2010, Cộng hòa Séc, Đức, Italia, Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã đặt ra các tỷ lệ mục tiêu từ 5-7%, sử dụng nhiên liệu tái tạo trong giao thông.


Tại Đông Nam Á, năm 2005, Chính phủ Malaysia đã đưa ra chính sách NLSH đầy tham vọng, trong đó quy định bắt buộc sử dụng dầu diesel sinh học B5. Thái Lan đã phê chuẩn Chương trình dài hạn của Chính phủ (2008-2022) nhằm thay thế 20% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc bằng năng lượng tái sinh vào năm 2022 và đưa ra điều luật bắt buộc sử dụng xăng E10 vào năm 2012.



1f405452e_xangsinhhoc_1.jpg



Philippin thông qua luật Nhiên liệu sinh học số 9367 có hiệu lực từ ngày 12/7/2007, quy định bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học. Trong vòng 2 năm kể từ khi điều luật có hiệu lực, tỷ lệ ethanol biến tính ít nhất 5% trong tổng nhu cầu xăng được bán và phân phối tại mỗi công ty xăng dầu trên toàn quốc. Trong vòng 4 năm kế tiếp, Ủy ban Nhiên liệu sinh học Quốc gia xác định tính khả thi và đề xuất với Bộ Năng lượng để bắt buộc pha tối thiểu 10% thể tích ethanol.


Ngoài ra, hiện trên thế giới, nhiều quốc gia không gọi xăng E5 là xăng sinh học bởi chỉ có 5% lượng cồn được pha với xăng, tức là chỉ là phụ gia như rất nhiều loại phụ gia khác pha trộn vào. Chính vì thế xăng từ E5 tới E10 vẫn được coi là loại xăng thông thường, hoàn toàn phù hợp khi sử dụng với các động cơ hiện tại mà không cần phải hoán cải. Ngoài ra đây cũng là sản phẩm không gây ảnh hưởng tới môi trường, rất cần được đẩy mạnh tiêu thụ.


Mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội


Tại Việt Nam, từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu và Tiêu chuẩn NLSH TCVN 8063:2009 về xăng E5. Vì vậy, khi xăng sinh học E5 phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng có nghĩa hoàn toàn đảm bảo được lưu thông trên thị trường và an toàn khi sử dụng.


Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2014, xăng E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1/12/2015. Chương trình nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp; đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.


Cũng theo ông Nguyễn Sinh Khang, xăng sinh học thân thiện với môi trường, việc đẩy mạnh tiêu thụ sẽ góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện tính năng động cơ, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội. Quá trình sử dụng xăng E5 rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa nhiên liệu E5 và xăng thông thường.


TS. Phạm Hữu Tuyến, Chủ nhiệm  Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong (Viện Cơ khí động lực - Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, trong đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển NLSH đã nêu rõ: NLSH là một dạng năng lượng mới, tái tạo, cần được phát triển để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới. Phát triển NLSH cũng sẽ nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam.


Theo kết quả nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong, động cơ sử dụng xăng E5 tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Chính vì vậy, loại xăng E5 có thể được coi là thân thiện với môi trường. 



63eb4dd5d_xang_e5.jpg



Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng E5. Như chúng ta đã biết thì, khí thải CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng E5 được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của E5. 


Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO và HC. Thêm vào đó, các loại xe mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.


Đáp ứng đủ nguồn cung cho cả nước


Để đảm bảo cho nguồn phối trộn xăng sinh học tăng nhanh, chuẩn bị cho lộ trình đến năm 2016 sẽ đưa xăng sinh học E10 vào sử dụng rộng rãi trong cả nước, từ cuối năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển NLSH đến 2015 và tầm nhìn đến 2025”, với mục tiêu tổng quát phát triển NLSH để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. 


Theo đề án, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 150 nghìn tấn NLSH, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025 sẽ sản xuất khoảng 1,8 triệu tấn NLSH, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu. Với chiến lược như thế, việc sản xuất NLSH, cụ thể là ethanol để pha vào xăng thành xăng sinh học sẽ thuận lợi.


Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, thực hiện Đề án phát triển NLSH học do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một số nhà đầu tư khác đã đầu tư xây dựng 03 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu từ nguyên liệu là sắn tại ba vùng sắn nguyên liệu lớn, đó là: Nhà máy sản xuất ethanol sinh học tại Huyện Tam Nông, Tỉnh Phú Thọ với công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm; Nhà máy của Công ty cổ phần NLSH miền Trung tại Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi (Khu Công nghiệp Dung Quất) với công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm; Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đầu tư Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu tại Huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước với công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm. 


Tính đến đầu năm 2013 cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất NLSH đi vào hoạt động, tổng năng lực sản xuất ethanol để pha chế xăng E5 của các doanh nghiệp trên cả nước là 535 triệu lít/năm (417.000 tấn). Trong trường hợp các doanh nghiệp chỉ hoạt động với 65% công suất thiết kế thì sản lượng vẫn đạt 271.000 tấn đủ để pha 5,4 triệu tấn xăng E5. 


Cùng với việc các nhà máy đang được đầu tư xây dựng, khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5 và E10 trong năm 2014 và các năm tới theo lộ trình là hoàn toàn khả thi. Với công suất hiện có, hoàn toàn các nhà máy sản xuất ethanol có khả năng thay thế 100% và vượt toàn bộ nhu cầu tiêu dùng xăng cả nước vào năm 2015.


Việt Nam hiện đã có 13 dự án đăng ký về triển khai sản xuất ethanol nhiên liệu. Các tính toán cho thấy, Việt Nam có thể thay thế tỷ lệ phối trộn 10% trên phạm vi cả nước sớm nhất vào năm 2016.


 Theo Bộ Công Thương