Thứ ba, 24/12/2024 | 09:02 GMT+7
Ngày 17-9, trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị và
triển lãm quốc tế “Trải nghiệm năng lượng Xanh và Hiệu quả 2014”, do Bộ Công
Thương phối hợp với cùng Tập đoàn Schneider Electric Việt Nam tổ chức đã diễn
ra Hội thảo với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng và chủ trương của Chính phủ đối với
các doanh nghiệp”.
Tham dự Hội thảo có ông Cù Huy Quang, chuyên viên
Văn phòng tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, các chuyên gia năng lượng và đại
diện các doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Quang cho biết,
cường độ sử dụng năng lượng tại Việt Nam đang ở mức cao hơn hơn cường độ của
các nước trong khu vực và trên thế giới từ 1,7-1,8 lần. Điều đó đồng nghĩa với
việc để sản xuất ra một sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn mức
năng lượng gấp 1,7-1,8 lần so với các doanh nghiệp trên thế giới.
Thực trạng này đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến
giá bán của các loại sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường,
cũng như gây áp lực lên các cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý sử dụng năng
lượng.
Thực tế trên cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng
tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong
các ngành công nghiệp như xi măng, sắt, thép, gạch, gốm, sứ…có thể đặt mức trên
30%.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra đánh giá, khi
đầu tư một đồng vốn vào tiết kiệm năng lượng, thì hiệu quả có thể thu về gấp 6
lần. Dó đó, hoạt động tiết kiệm năng lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ông Cù Huy Quang, chuyên viên Văn phòng TKNL, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội Thảo
Tại Việt Nam, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai và đã thu được những kết quả tích cực kể từ khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) được ban hành cùng các Nghị định, Thông tư liên quan.
Có 7 nhóm đối tượng tham gia điều chỉnh của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; giao
thông vận tải; sản xuất nông nghiệp; dịch vụ và hộ gia đình; xây dựng, chiếu
sáng công cộng; cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; phương tiện, thiết bị
sử dụng năng lượng. Trong đó, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là nhóm đối
tượng quan trọng.
Năm 2011, các nước có 1.190 doanh nghiệp sử dụng
năng lượng trọng điểm trong tổng số 500 ngàn doanh nghiệp trên cả nước. Tuy chỉ
chiếm 0.238% tổng số doanh nghiệp, nhưng những đơn vị này lại tiêu thụ đến 60%
tổng năng lượng mà các doanh nghiệp đã sử dụng. Còn theo thống kê mới nhất,
tính đến năm 2013, cả nước có 1.720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Dự
đoán, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ ngày càng tăng cao. Do đó, những biện pháp
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được áp dụng trong các doanh nghiệp trọng
điểm được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật đối với
các lĩnh vực hoạt động có liên quan, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm còn có trách
nhiệm chỉ định Người quản lý năng lượng. Đồng thời tiến
hành thực hiện kiểm toán bắt buộc 3 năm 1 lần.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp
Đối với hoạt động kiểm toán năng lượng, ông Quang cho biết, các doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê công ty kiểm toán
năng lượng hoặc tự tiến hành thực hiện hoạt động này. Ưu điểm của việc tự tiến
hành kiểm toán là doanh nghiệp hiểu cặn kẽ về quy trình công nghệ, máy móc, thiết
bị sản xuất. Song, nhược điểm của hoạt động này là khó đưa được ra các biện
pháp chuyên sâu trong thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
còn có trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo
cáo kết quả thực hiện trực tiếp trên mạng internet thông qua cổng thông tin điện
tử của Hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng quốc gia.
Mỗi cơ sở sẽ được cấp một địa chỉ trong Hệ thống
với số ID riêng biệt để có thể truy cập, truy xuất và làm việc với các file cở
sở trên Hệ thống.
Buổi Hội thảo cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp
về lộ trình và nhóm đối tượng của chương trình dán nhãn năng lượng cũng như những
xử lý vi phạm hành chính trong quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp.
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là: - Các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông
nghiệp, đơn vị vận tải, cơ sở hoạt động dịch vụ 1.000 tấn dầu tương đương trở
lên trong 1 năm; - Các tòa nhà, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước nếu tiêu thụ trên 500 tấn dầu tương đương trở lên trong 1 năm. |