Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:43 GMT+7

Xóa bỏ công nghệ lạc hậu để tiết kiệm năng lượng

05/09/2014

Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định quy hoạch phát triển công nghiệp XM giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng phát triển công nghiệp xi măng sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Mạnh tay” với những dự án XM không đạt yêu cầu

5 nhà máy XM nằm trong diện bị loại khỏi quy hoạch, bao gồm: Nhà máy XM Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ và Ngân Sơn. Cùng với quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.

Trước đó, vào tháng 7/2014 Bộ Xây dựng đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp XM một số dự án không bảo đảm tiến độ thi công, xây dựng. Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án này đều là dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2.500 tấn clanke/ngày), đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng cao và các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không bảo đảm…


3a5dd627a_xi_mang_3.jpg

Nhiều dự án xi măng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì không đạt yêu cầu

Theo ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đa số các dự án đều không đạt yêu cầu do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, triển khai chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quang Cung- Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam - cho biết, những năm trước, Việt Nam thiếu XM nên các địa phương đã khuyến khích đầu tư, phát triển nhiều dự án XM. Hậu quả là tại thời điểm này có khá nhiều dây chuyền XM công nghệ cũ với công suất nhỏ chỉ khoảng 120.000 tấn/năm, không đủ năng lực cạnh tranh.

Tập trung công nghệ cao tăng chất và lượng

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam giai đoạn 2020- 2030, ngành XM sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án XM ở phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông.

86d44b823_xi_mang.jpg

Công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường sẽ dần được xóa bỏ

Ông Lê Văn Tới cũng khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất XM lò đứng. Đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên. Chúng ta cần loại bỏ các dây chuyền sản xuất XM công suất thấp, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng XM, đồng thời bảo đảm tốt vấn đề môi trường. 

Để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành XM, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu XM đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Theo Xã luận