Thứ sáu, 08/11/2024 | 04:58 GMT+7

Nan giải bài toán điện gió

04/09/2014

Phát triển điện gió lại không hề suôn sẻ, dễ dàng. Trong quá trình triển khai, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh khiến không ít nhà đầu tư phải ngậm ngùi rút chân khỏi các dự án điện gió - những dự án mà cách đây không lâu, bản thân họ phải mất rất nhiều công sức mới có được.

Trong Quy hoạch điện VII, điện gió được xác định là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Và để cụ thể hóa các mục tiêu về điện gió, rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư… đã được Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, phát triển điện gió lại chẳng hề suôn sẻ, dễ dàng, trong quá trình triển khai, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh khiến không ít nhà đầu tư phải ngậm ngùi rút chân khỏi các dự án điện gió - những dự án mà cách đây không lâu, bản thân họ phải mất rất nhiều công sức mới có được. Ðiều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm vào cuộc tháo gỡ.

Mục tiêu lớn gặp khó

Theo Quy hoạch điện VII thì mục tiêu của Việt Nam sẽ đưa tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… từ 3,5% (2010) lên 4,5% (2020) và sẽ đạt 6% (2030) trên tổng điện năng sản xuất. Trong đó, điện gió sẽ được tập trung phát triển với mục tiêu đưa công suất nguồn điện lên 1.000MW (tương đương 0,7% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2020 và 6.200MW (tương đương 2,4% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2030.

Và để thu hút đầu tư vào điện gió, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án điện gió. Ðặc biệt, chính sách hỗ trợ giá mua điện gió còn quy định EVN có trách nhiệm mua điện gió với hợp đồng kéo dài 20 năm chưa tính thời gian gia hạn với mức giá là 7,8 cent/kWh đối với dự án điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh với dự án điện gió trên biển.

Với những ưu như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã có 48 án điện gió đăng ký với tổng công suất 4.876MW.

Sự khởi đầu như vậy với điện gió có thể xem là rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thì đến nay, trong số 48 dự án trên, mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động, với tổng công suất 52MW. Số còn lại hầu hết vẫn im hơi lặng tiếng, hoặc nhà đầu tư đã bỏ đi.

379ebc4e3_diengio.jpg

Lý giải cho sự ì ạch này, Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức (GIZ) cho rằng, nguyên nhân nhiều nhà đầu tư trong nước ồ ạt đăng ký đầu tư là do suy nghĩ làm điện gió vừa dễ vừa lãi nhanh. Còn với nhà đầu tư nước ngoài, khi quyết định đầu tư vào điện gió thường bị các nhà tư vấn nói vống lên về tiềm năng gió cũng như triển vọng dự án. Khi tiến hành đo gió thực tế tại vùng triển khai dự án, chế độ gió không đạt yêu cầu nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ đi.

Ngoài ra, việc phát triển các dự án điện gió trên các vùng biển ven bờ cũng khiến chi phí đầu tư cho một dự án điện gió tăng cao. Qua nghiên cứu 3 dự án điện gió đang triển khai, GIZ cũng chỉ ra rằng, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1MW điện gió và chi phí vận hành hằng năm là 35.000USD cho 1MW điện gió. Như vậy, với giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 cent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.

Gỡ không dễ

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về xu hướng phát triển năng lượng trong tương lai, ông Phan Minh Tuấn - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận nói: Theo dự báo, trong tương lai không xa, các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí, than đá… sẽ dần cạn kiệt. Chính vì vậy, bên cạnh điện hạt nhận, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh học… là vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng đối với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhưng như đã đề cập tới ở trên, việc phát triển điện gió ở nước ta đang nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là về cơ chế giá bán cho EVN. Một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng phân tích: Ðể tạo ra 320 triệu kWh/năm, Dự án Ðiện gió Bạc Liêu sẽ cần số vốn đầu tư là 5.200 tỉ đồng. Trong khí đó, để tạo ra 10.246 triệu kWh/năm, Dự án Thủy điện Sơn La chỉ cần 60.195,928 tỉ đồng. Thông qua một phép tính đơn thuần, rõ ràng có thể thấy, nếu 1kWh thủy điện cần 1 đồng tiền đầu tư thì 1 kWh điện gió sẽ cần tới 2,78 đồng tiền đầu tư. Vốn đầu tư cho điện gió như vậy là rất lớn nhưng mức giá của điện gió lại chẳng hề cao, chỉ vào khoảng 7,8 cent/kWh - mức giá được xem là thấp nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Ðể tháo gỡ điều này, GIZ kiến nghị, thay vì miễn tiền thuê mặt biển cho các nhà đầu tư điện gió theo chính sách hiện hành, nên ưu tiên cấp đất và miễn tiền thuê đất trên bờ ven biển cho các nhà đầu tư điện gió; Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng điện gió; Bộ Tài chính cũng cần miễn thuế nhập khẩu tua bin, khi mức thuế hiện tại là 10% đã đẩy giá thành xây dựng lên cao… Và đặc biệt, về giá điện, cần nâng từ 7,8 cent/1kWh lên 10,4 cent/1 kWh.

Theo ông Ðinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN: Hiện EVN mua điện gió với giá 6,8 cent/1kWh (Chính phủ hỗ trợ thêm 1 cent/1kWh). Nếu tăng lên 10,4 cent/1 kWh như đề xuất của GIZ, chắc chắn EVN sẽ phải tăng giá điện bán lẻ. Mà tăng giá điện bán lẻ, sẽ đổ lên đầu người dân. Giá điện tăng, chắc chắn người dân sẽ không chịu.

Nói như vậy để thấy rằng, điện gió và vấn đề phát triển điện gió vẫn sẽ là bài toán nan giải trong chính sách phát triển năng lượng của nước ta và để tháo gỡ những rào cản, bất cập nảy sinh khi triển khai là hết sức khó khăn.

Theo Năng lượng mới số 352+353