Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:01 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng bằng đổi mới công nghệ, thiết bị

25/08/2014

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn để giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn để giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn.

Nhiều sáng kiến tiết kiệm năng lượng

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng vấn đề tiết kiệm ở đây cần phải hiểu rõ là tiết kiệm từ khâu khai thác, sản xuất, chế biến, đến khâu tiêu dùng đối với các sản phẩm năng lượng.
 
89e886e23_nangluong.jpg

Khách tham quan gian trưng bày các sản phẩm về năng lượng xanh. 

Theo ông Ngãi, thời gian qua, các tổng công ty, các công ty điện lực đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, do vậy hàng năm đã tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ kWh. Cùng với việc hỗ trợ các trung tâm, các địa phương, các hộ gia đình thay bóng đèn compact, sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời đạt hiệu quả cao, các đơn vị còn đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, qua việc mỗi năm đầu tư khoảng 180 tỷ đồng cho các hoạt động này. Đặc biệt, các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam còn tận thu các sản phẩm trong quá trình khai thác sản xuất, chế biến, vận hành, vận chuyển đã mang lại một số kết quả lớn.

Ông Phạm Quốc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, tiết kiệm năng lượng là giải pháp lựa chọn đầu tư phát triển năng lượng tối ưu (chi phí thấp, hiệu quả cao), đáp ứng được các tiêu chí trong chính sách phát triển bền vững. Chính vì vậy, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” trên phạm vi cả nước. Chương trình được khởi động từ năm 2006, đến nay đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Tổng cục Năng lượng), đến nay, mạng lưới gồm 12 Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành phố và gần 40 trung tâm khuyến công và các công ty, trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ trên phạm vi toàn quốc đã được thành lập để triển khai các hoạt động của Chương trình. Mạng lưới các Tổ chức tư vấn, Trung tâm tiết kiệm năng lượng được hình thành trên phạm vi cả nước với nhiều dự án trình diễn trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng được triển khai thành công, đạt hiệu quả cao, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp như các dự án trong lĩnh vực chiếu sáng và khí sinh học.

Ưu đãi bằng cơ chế, chính sách

Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Tuấn cũng cho rằng, thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ năng lượng đã bộc lộ nhiều hạn chế, các cơ chế, chính sách về tiết kiệm năng lượng còn nhiều bất cập, lợi ích về tiết kiệm năng lượng chưa được xã hội quan tâm, quán triệt, việc thực hành tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa thật sự triệt để...

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng đến năm 2015 đạt 5 - 8% và đến năm 2020 đạt 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ, Hiệp hội Năng lượng đề xuất Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn (không phải 5 tỷ đồng cho 1 doanh nghiệp như trước đây) mà trên cơ sở đề xuất của các đơn vị cần vốn để đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho vay với gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ như, miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, các thiết bị tiết kiệm năng lượng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho những cơ sở và hộ tiêu dùng có kết quả tiết kiệm năng lượng tốt.

Mặt khác, cần sớm điều chỉnh giá năng lượng theo cơ chế thị trường, bởi vì giá năng lượng Việt Nam hiện nay đang thấp hơn giá khu vực và trên thế giới. Đồng thời xây dựng định mức đối với các doanh nghiệp, các nhà máy, các hộ tiêu thụ khác về sử dụng năng lượng. Hàng năm, cần phải có kiểm toán đặc biệt đối với các hộ sử dụng năng lượng lớn để đánh giá được kết quả thực hiện và đi đôi với việc thưởng, phạt nghiêm minh. Ngoài ra, cần khai thác sử dụng các dạng năng lượng khác như: Bioga trong chăn nuôi nông nghiệp, xây dựng nhà tiết kiệm năng lượng đối với ngành xây dựng, thay thế những xe, máy tiêu hao nhiều năng lượng trong ngành giao thông.

Theo Báo Tin tức