Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:58 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách

21/08/2014

Sáng ngày 21-8 tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách”.

Sáng ngày 21-8 tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách”. 

Tham dự Hội thảo có đại diện các Tập đoàn năng lượng hàng đầu bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Thép Việt Nam cùng đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc. 

53c8912fa_anh_1.jpg

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, nhà khoa học, các đơn vị và doanh nghiệp
 trong lĩnh vực năng lượng, tiết kiệm năng lượng

Tại Hội thảo, ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự đổi mới của đất nước. Mỗi năm, cả nước sản xuất được trên 100 tỷ kWh điện, 25 triệu tấn dầu khí quy đổi và 40 triệu tấn than. Ngành năng lượng đã đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển KTXH trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

9412faf49_viet_ngai.jpg
 
Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam 

Trong những năm qua, Nhà nước cùng các Tập đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho việc xây dựng các dự án, cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng. Song song với đầu tư phát triển, vấn đề sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả cũng đặc biệt được quan tâm. Xuất phát từ thực tế đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bắt đầu triển khai từ năm 2006. Chương trình do Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương triển khai đã thu được nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề. 

05f2f8073_mr_tho.jpg

Ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương
phát biểu tại Hội nghị

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương đã có bài trình bày chi tiết về những kết quả Chương trình đã đạt được. Giai đoạn 2010-2015, Chương trình đã đạt mức tiết kiệm 3.4% tổng năng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2012- 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào công tác triển khai xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc; xây dựng kiện toàn các cơ chế tài chính; thực hiện giám sát việc tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Một trong những thành công nhất của Chương trình trong giai đoạn này là triển khai Lộ trình dán nhãn năng lượng. Tính đến 6/2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động dán nhãn năng lượng lượng đã tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp về đẳng cấp. Đây là dấu hiệu tốt khẳng định hiệu quả của chương trình dán nhãn năng lượng.

37d1ee5bc_mr_vu.jpg

Ông Trịnh Quốc Vũ trình bày về kết quả thực hiện Chương trình MTQG về Sử dụng NL TK&HQ

Chương trình cũng đã xây dựng và  triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng. Năm 2013, thông qua các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã triển khai hỗ trợ lắp đặt được 3000 bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2013, trên toàn quốc đã có trên 600.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ điện cho việc cung cấp nước nóng phục vụ sinh hoạt trong các hộ gia đình. 

Cũng trong năm 2013, Bộ Công Thương đã kết hợp với EVN triển khai hệ thống bình đun nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp tại ba miền theo mô hình ESCO. Dự án triển khai đã tiết kiệm được hơn 2 GWh tương đương với hơn 5 tỷ đồng.

Ông Trịnh Quốc Vũ cũng cho biết, chương trình đã phối hợp với các Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của của người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phổ biến sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao, ứng dụng hầm biogas quy mô hộ gia đình đã triển khai tại 26 tỉnh, thành và hỗ trợ xây dựng mới hơn 3.000 hầm biogas. 

Chương trình đã phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng trên cả nước tiến hành nghiên cứu, tư vấn, triển khai các dự án, các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, công nghiệp…Song song với đó, chương trình cũng hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. 

Đến hết năm 2013, Chương trình đã đào tạo cho 55 doanh nghiệp, với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham dự các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001. Đào tạo về tối ưu hóa hệ thống hơi trong công nghiệp đã thu hút được 52 doanh nghiệp với hơn 80 cán bộ và 28 chuyên gia về lò hơi tham dự. Hiện nay, Văn phòng TKNL, Tổng cục Năng lượng tiếp tục cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 20 doanh nghiệp triển khai hệ thống ISO 50001.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Vũ đã nêu bật những khó khăn và thách thức mà Chương trình gặp phải, đồng thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe trình bày về thực tế hoạt động, chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các Tập đoàn, Tổng công ty. 

Ngoài ra, Hội thảo cũng ghi nhận phần thảo luận, phản biện, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề năng lượng, những kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại Việt Nam.

Sắp tới, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Năng lượng tổng hợp các ý kiến tham luận để đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; Kiến nghị việc sửa đổi, ban hành các chính sách phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong thời gian tới.

Hải Yến