Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:32 GMT+7

Đức hỗ trợ Việt Nam phát triển điện sinh khối

16/08/2014

Dự án Hỗ trợ Phát triển năng lượng tái tạo trong khuôn khổ Hợp tác phát triển Việt Nam - Đức (RESP) phối hợp với Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo thuộc Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức.

Ngày 14-8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn về Hướng dẫn đầu tư điện sinh khối tại Việt Nam. Dự án Hỗ trợ Phát triển năng lượng tái tạo trong khuôn khổ Hợp tác phát triển Việt Nam - Đức (RESP)  phối hợp với Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo thuộc Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức. 

Hội thảo chỉ ra rằng, bên cạnh việc hỗ trợ về giá, còn cần thêm hỗ trợ về chính sách để điện sinh khối có thể phát triển một cách bền vững. Trong đó, cần có hướng dẫn rõ ràng về các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép và đầu tư.  

Hướng dẫn Đầu tư Điện sinh khối tại Việt Nam nêu rõ các thủ tục đầu tư điện sinh khối gồm các bước: chuẩn bị, xây dựng, vận hành phù hợp cho nhà máy điện sinh khối. Ngoài ra, hướng dẫn cũng đưa ra khung thời gian, chi phí cũng như những hạn chế và rủi ro tiềm tàng trong mỗi bước. 

6d8fb8f88_hoi_thao.jpg

Ông Werner Kossmann phát biểu tại Hội thảo

Ông Werner Kossmann, Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án RESP của GIZ cho biết, mục tiêu của dự án là tạo điều kiện và hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư vào điện sinh khối ở Việt Nam, từ đó đóng góp vào mục tiêu đặt ra trong Tổng sơ đồ quy hoạch điện quốc gia số 7 (NPDP7) về phát điện từ các nguồn sinh khối.

Trước đó, ngày 24-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2014/QD-TTg  về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối ở Việt Nam. Dự án được hy vọng sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư công và tư trong lĩnh vực điện sinh khối ở Việt Nam. 

Dự kiến tỷ lệ điện sinh khối ở Việt Nam sẽ chiếm 0.6% và 1.1% tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 2030, với công suất lắp đặt tương ứng là 500MW and 2000MW. 

Hải Nhy