Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:34 GMT+7

Từng bước gỡ "nút thắt" cho xăng sinh học

03/07/2014

Sáng 2/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Gỡ nút thắt cho sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5”.

Nhằm thông tin về lộ trình triển khai của các doanh nghiệp và tuyên truyền cho nhân dân hiểu ý nghĩa, ích lợi của việc sử dụng xăng sinh học, sáng ngày 2/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Gỡ nút thắt cho sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5”. Nhiều câu hỏi, thắc mắc của độc giả về các vấn đề liên quan đến lộ trình sử dụng phổ biến xăng sinh học, tiến tới thay thế xăng truyền thống đã được các cơ quan, doanh nghiệp giải đáp cặn kẽ.
ed94c0414_anh_1.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiêu liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương đã ban hành những kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chức năng, cũng như đối với các địa phương, doanh nghiệp việc triển khai thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, công ty làm đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có kế hoạch chi tiết cũng như phương án sản xuất xăng sinh học, từ sản xuất, phối trộn, tồn trữ, vận chuyển, phân phối xăng sinh học đúng các bước trong Lộ trình của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Đến nay, 7 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp liên quan đã thực hiện xong kế hoạch triển khai lộ trình đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2013, đã có 3 nhà máy tại Quảng Ngãi, Bình Phước và Đồng Nai sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn đảm bảo cho việc phối trộn sinh học, với công suất thiết kế là 200.00m3/năm; 1 nhà máy ở Quảng Nam đang ngừng sản xuất để tái cơ cấu lại; 2 nhà máy ở Đắk Nông và Kom Tum chưa sản xuất được ethanol đạt tiêu chuẩn cho phép. Tổng công suất thiết kế sản xuất của 6 nhà máy nếu đạt 410.000 tấn/năm, sẽ đủ đảm bảo phối trộn cho 8,3 triệu tấn xăng E5. Nếu chỉ sản xuất được trên 60% công suất thiết kế sẽ chỉ phối trộn được 5,4 triệu tấn xăng E5, trong đó nhu cầu sử dụng cả nước năm 2013 là khoảng 5,4 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, với năng lực hiện có, các nhà máy chỉ đủ đáp ứng cho xăng E5 và xăng E10 đến năm 2016.

Ông Nguyễn Sinh Khang - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, thực hiện các quyết định của Chính phủ về phát triển năng lượng sinh học tại Việt Nam, PVN đã chủ động trong việc đầu tư và đưa sản phẩm xăng sinh học ra thị trường.

Theo đó, PVN đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, cụ thể, chi tiết, từ việc đầu tư các nhà máy sản xuất ethanol, quy hoạch nguồn nguyên liệu bền vững để phục vụ công tác sản xuất của các nhà máy, xây dựng hệ thống phối trộn, phân phối đến công tác truyền thông, quảng bá xăng sinh học, để các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh xăng sinh học, người tiêu dùng hiểu đúng về những lợi ích của xăng sinh học.

Cùng đó từ thời điểm bắt đầu triển khai kinh doanh xăng sinh học (1/8/2010) đến nay, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã đầu tư 9 trạm pha chế xăng E5. Trong đó, có 5 trạm pha chế theo mẻ có công suất từ 80 đến 85m3/mẻ đang hoạt động (tại các kho Đình Vũ-Hải Phòng, Liên Chiểu-Đà Nẵng, Nhà Bè-TP Hồ Chí Minh, Miền Đông-Vũng Tàu, Trà Nóc-Cần Thơ) và 4 trạm inline công suất 280.000m3/năm (tại Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh). Từ tháng 6/2014, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã sẵn sàng cung cấp xăng E5 cho tất cả các đầu mối bằng đường bộ. Hiện, PVN và các đơn vị thành viên đã cùng các đối tác khác hoàn thành xây dựng 2 nhà máy sản xuất bio-ethanol với công suất 200.000m3/năm, đủ để pha chế 4 triệu m3 xăng E5/năm.

Theo thống kê, cả nước hiện có 7 nhà máy sản xuất ethanol, với tổng công suất 535 triệu lít/năm, xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm, đủ khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5, E10 trong năm 2014 và các năm tới. Đến thời điểm này, cả nước mới có 3 trong số 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5, với tổng số 169/13.000 cây xăng trong cả nước và số xăng E5 bán ra chỉ bằng 1/8 so với xăng dầu truyền thống. Một trong những khó khăn chính dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học là do chi phí đầu tư cửa hàng để chuyển đổi sang bán xăng E5 khá tốn kém, mất khoảng 400 triệu đồng chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển…

Với bài toán nguyên liệu, Phó Tổng giám đốc PVN cho hay, việc khôi phục lại vùng nguyên liệu sắn cung cấp cho Nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ), PVN đã chỉ đạo và hỗ trợ chủ đầu tư các dự án, làm việc với UBND các tỉnh để triển khai lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, nhằm cung cấp ổn định khi nhà máy đi vào vận hành thương mại. Do kỹ thuật canh tác của nông dân còn hạn chế nên PVN cũng đã hỗ trợ kinh phí cho các chủ đầu tư, phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu… để nghiên cứu và cung ứng cho nông dân giống sắn cao sản, hàm lượng tinh bột cao, qua đó khuyến khích nông dân trồng sắn và nâng cao thu nhập.

Trả lời câu hỏi về chất lượng xăng sinh học E5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Vinh cho biết: Từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn về xăng E5. Do vậy, xăng sinh học E5 phải đạt chuẩn khi áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 8063: 2009 và được chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2009. Xăng sinh học E5 rất yên tâm khi sử dụng trong điều kiện của Việt Nam và phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, ngoài vấn đề chi phí sản xuất cao thì việc triển khai xăng E5 tới đây có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), bởi Tập đoàn này hiện chiếm tới hơn 50% thị phần xăng dầu cả nước, với hệ thống cửa hàng, đại lý quy mô lớn.

Trả lời thắc mắc này, ông Bùi Ngọc Bảo Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho rằng, xăng E5 không phải thử nghiệm cũng là sản phẩm bình thường, nên khi triển khai sẽ làm đồng loạt. Cơ cấu kho bể của Petrolimex đã đạt chuẩn, chỉ cần đầu tư thêm kho tồn chứa riêng cho E.100 (thành phần ethanol nguyên chất) là sẽ đảm bảo phối trộn “chuẩn” trước khi bơm vào xe bồn cung cấp cho các cửa hàng, đại lý.

“Theo quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì phải có tồn kho 30 ngày-đủ hàng cho một tháng, hầu hết các đầu mối nhập khẩu đều theo cách thức tồn chứa xăng khoán riêng và tồn chứa E100 riêng; chỉ phối trộn khi đưa trực tiếp ra cửa hàng nên không phải tồn chứa xăng sinh học” - ông Bảo nói.

Về việc thực hiện theo đúng lộ trình sử dụng xăng sinh học của Chính phủ, theo ông Bảo, từ cuối năm 2013, Petrolimex đã ban hành tài liệu phổ biến kiến thức xăng sinh học. Đây là tài liệu nội bộ của Petrolimex để phổ biến các thông tin, kiến thức cơ bản nhất về xăng sinh học, cụ thể là 2 mặt hàng xăng E5 và xăng E10. Tiếp đó, Petrolimex đã thành lập Ban nghiên cứu triển khai áp dụng nhiên liệu sinh học, cử đoàn chuyên gia đi học hỏi kinh nghiệm phối trộn, kinh doanh xăng sinh học tại Thái Lan… để sẵn sàng thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ.

Theo NangluongVietnam.vn