Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:49 GMT+7
Ngôi làng Dhaubadi, huyện Nawalparasi, Nêpal giờ đây đã trở thành ngôi làng năng lượng sạch đầu tiên ở quốc gia này. Tên gọi xuất phát từ dự án lắp đặt thí điểm hệ thống năng lượng gió kết hợp mặt trời do Ngân hàng Phát triển Châu Á Thái Bình Dương (ADB) triển khai.
Theo dự án, 2 tua-bin gió công suất 10 kW và 18 tấm pin mặt trời công suất 2 kW đã được lắp đặt tại làng Dhaubadi. Khu vực này không có tiềm năng thủy điện và các nguồn năng lượng khác như củi, than và pin đều rất hạn chế với chi phí đắt đỏ. Bởi vậy, năng lượng từ gió và mặt trời là sự lựa chọn hoàn hảo.
Pin năng lượng mặt trời tại một ngôi làng
Trước khi có dự án này, mỗi tháng, một gia đình phải chi trả hơn 1 ngàn rúp cho chi phí năng lượng. "Nhờ hệ thống năng lượng mới, giờ đây chúng tôi chỉ phải bỏ ra khoảng 300 rúp mỗi tháng. Với chi phí này, họ sinh có thể học bài đến khuya và mọi thứ cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều cho các bà nội trợ," Padam Bahadur Rana, một người dân làng cho biết.
Sự thành công của dự án này đã chứng minh rằng người dân nông thôn Nêpal hoàn toàn có cơ hội tiếp cận với những nguồn năng lượng sạch. Những kinh nghiệm từ dự án thử nghiệm này rất hữu ích cho việc nhân rộng những mô hình tương tự trên toành lãnh thổ Nêpal.
Theo ông Prakash Aryal, Giám đốc phụ trách Năng lượng gió của Trung tâm năng lượng thay thế (AEPC) cho biết, “Nêpal có tiềm năng tạo ra hơn 3 ngàn MW điện bằng năng lượng gió. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ được khai thác do thiếu nguồn lực tài chính và kiến thức kỹ thuật."
Người dân Nêpal lắp đặt tua bin gió
Hiện AEPC đã xác định được 522 ngôi làng tại Nêpal bị cô lập vì không thể tiếp cận được nguồn tài nguyên nước và lưới điện quốc gia, nhưng rất có tiềm năng tạo ra năng lượng gió.
Ngân hàng phát triển Châu Á Thái Bình Dương cũng đang hỗ trợ chính phủ Nepal nhân rộng các sáng kiến như ở làng Dhaubadi tới các vùng nông thôn khác.
Yến Phạm (Theo Thehimalayiantimes.com)