Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:03 GMT+7

Tiềm năng gió Việt

02/04/2014

Gió - nguồn năng lượng giàu tiềm năng - có thể khai thác bổ sung cho nguồn điện quốc gia, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt

Gió - nguồn năng lượng giàu tiềm năng - có thể khai thác bổ sung cho nguồn điện quốc gia, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt

Theo một số liệu được công bố, tiềm năng gió của Việt Nam đạt độ cao 65 m, ước đạt 513.360 MW, lớn hơn 200 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, để khai thác nguồn năng lượng này, còn phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh tế, kỹ thuật…

Đạt khoảng 9,4% năm 2030

Hiện Việt Nam có 3 dự án điện gió đã được vận hành, cung cấp một sản lượng điện khiêm tốn và 48 dự án “nằm trên giấy”của 15 tỉnh, thành với tổng công suất 4.876 MW. Bà Phạm Thùy Dung - chuyên viên cao cấp Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo - cho biết: “Mục tiêu phát triển điện gió Việt Nam tới năm 2030: Năm 2020, điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 5,6% tổng công suất lắp đặt: 1.000 MW từ năng lượng gió, 500 MW từ nguồn sinh khối và 2.700 MW từ các dạng công nghệ năng lượng tái tạo khác. Năm 2030, điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 9,4% tổng công suất lắp đặt: 6.200 MW từ năng lượng gió, 2.000 MW từ nguồn sinh khối và 5.600 MW từ các dạng công nghệ năng lượng tái tạo khác”.

0d6db2c4e_8dchot072fa.jpg

Gió là nguồn năng lượng tiềm năng của quốc gia 

Trong buổi hội thảo về năng lượng gió do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM và Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức mới đây, bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho biết: “Các công ty của Mỹ có mặt hôm nay đều cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hy vọng hội thảo này sẽ đặt nền tảng cho các hoạt động giữa Chính phủ, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính để Việt Nam phát triển nguồn năng lượng này”. Đây là lần đầu tiên chính phủ 2 nước bàn về vấn đề này kể từ khi Tổng thống Obama công bố kế hoạch hành động vì biến đổi khí hậu. Trong đó, Mỹ cam kết “Hành động cùng các quốc gia đối tác để giải quyết các vấn đề thay đổi khí hậu thông qua việc tăng cường, mở rộng lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch”.

Tạo điều kiện thu hút đầu tư

Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cho biết Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ -TTg ngày 29-7-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió nhằm ưu tiên phát triển điện gió để cung cấp năng lượng cho đất nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Việt Nam mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo dựa trên hợp đồng mua bán điện mẫu. Hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió nối lưới với giá 7,8 cent/KWh, ưu đãi hạ tầng, trợ giá cho những dự án điện gió không nối lưới…

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư thì ngành công nghiệp này vẫn còn thiếu nhiều điều kiện cần thiết như luật năng lượng tái tạo chưa có; thiếu nguồn tài chính, thiếu sự hậu thuẫn từ các tổ chức tài chính/ngân hàng; giá điện quy định đối với điện gió thấp; thiếu chuyên gia và kỹ sư lành nghề, thiếu cơ sở dữ liệu đo tiềm năng năng lượng gió…

Theo Báo Mới