Thứ sáu, 08/11/2024 | 19:59 GMT+7

Trung tâm phát triển điện hạt nhân trong tương lai là châu Á

10/02/2014

Nhân chuyến thăm và làm việc lần thứ hai tại Việt Nam của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano từ ngày 7-11/1/2014, theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ngày 9/1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí với ông Yukiya Amano.

Nhân chuyến thăm và làm việc lần thứ hai tại Việt Nam của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano từ ngày 7-11/1/2014, theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ngày 9/1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí với ông Yukiya Amano.

07d1eaeff_dalat.jpg
 
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhìn từ bên ngoài.

Tại đây, ông đã chia sẻ với đông đảo cơ quan báo chí trong nước về tình hình điện hạt nhân trên thế giới và Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV: Thưa Tổng Giám đốc, xin ông cho biết mục đích chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này?

Ông Amano: Chuyến thăm lần này nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung, Chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam nói riêng, cũng như đánh giá kết quả và tác động của các dự án Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam. Bên cạnh đó hai bên đã thảo luận và xem xét về bước phát triển tiếp theo vì Việt Nam hiện có rất nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, như khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ứng dụng hạt nhân nguyên tử trong chữa trị bệnh ung thư, ứng dụng năng lượng nguyên tử quản lý hệ thống tưới tiêu, quản lý nước, trong diệt trừ sâu bọ cho hoa quả như thanh long.

Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế. Điều này được thể hiện rõ bằng việc Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch hội đồng Thống đốc IAEA niên khóa 2013-2014, Cơ quan hoạch định chính sách quan trọng nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế.

PV: Xin ông cho biết tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản, xu hướng phát triển điện hạt nhân trong những thập kỷ sắp tới?

Ông Amano: Như các bạn đã biết, tháng 3/2011 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), do động đất và sóng thần rất lớn gây ra. Sau sự cố này, niềm tin của cộng đồng quốc tế vào điện hạt nhân đã bị giảm sút nghiêm trọng. Điển hình là việc nước Đức đã đẩy sớm quá trình chấm dứt sử dụng điện hạt nhân. Nhiều người đã nghĩ rằng điện hạt nhân không còn tương lai. Song, đến nay, nhiều quốc gia vẫn tin tưởng vào điện hạt nhân giúp đảm bảo an ninh năng lượng do điện hạt nhân có một số ưu điểm như không sản sinh ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, giá thành nhiên liệu vận hành điện hạt nhân không thay đổi quá nhiều như các loại nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, điện hạt nhân cung cấp nguồn điện năng ổn định cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Hàng năm, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế đều tiến hành đánh giá dự báo phát triển điện hạt nhân. Vừa qua, Cơ quan chúng tôi đã đưa ra dự đoán kịch bản đến năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng điện hạt nhân thấp nhất sẽ là 17% và cao nhất lên tới 94%. Bởi vậy, điểm khác biệt duy nhất trước và sau khi sự cố Fukushima, là việc hiện nay các nước trên thế giới đều hiểu rõ hơn tầm quan trọng của điện hạt nhân và chú trọng hơn tới yếu tố an toàn, an ninh hạt nhân.

Qua những chuyến thăm quốc gia trên thế giới sử dụng điện hạt nhân như Nga, Nam Phi…, tôi cũng nhận thấy các nhà máy điện hạt nhân ở các quốc gia này đã chú ý hơn đến các chi tiết an toàn. Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế cũng đang có nhiều chương trình giúp đỡ về vấn đề này. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, hiện các nhà máy điện hạt nhân đã an toàn hơn nhiều so với trước sự cố Fukushima. Tôi cũng có thể nói rằng trung tâm phát triển điện hạt nhân trong tương lai chính là khu vực Châu Á.

PV: Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận mặc dù chưa có một chút kinh nghiệm nào về điện hạt nhân, vậy Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế có sự trợ giúp nào cho Việt Nam?

Ông Amano: Hiện không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng đang muốn phát triển điện hạt nhân. Theo quan điểm của tôi, không chỉ các quốc gia đã phát triển mà các quốc gia đang phát triển cũng phải có quyền tiếp cận với lĩnh vực điện hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế sẵn sàng giúp đỡ mọi quốc gia trong việc phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, an ninh và bền vững. Để hỗ trợ việc này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế đã đưa ra một Bộ hướng dẫn. Theo đó, phát triển điện hạt nhân được chia thành 19 lĩnh vực khác nhau. Đây không phải là những yếu tố mang tính bắt buộc, nhưng rất hữu dụng cho các quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Có thể lấy ví dụ như việc xây dựng văn bản pháp quy về hạt nhân, lựa chọn địa điểm, tham gia các công ước quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với Bộ hướng dẫn trên, Việt Nam phải tự đánh giá, xem xét hiện trạng phát triển của mình và so sánh với tài liệu trên rồi tham vấn với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, để từ đó chúng tôi có thể đưa ra những lời khuyên cụ thể cho Việt Nam nhằm cải thiện hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân

Việt Nam đã tham vấn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng phát triển điện hạt nhân và trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc này như tham gia các công ước quốc tế, đào tạo nhân lực, xây dựng báo cáo khả thi. Tuy vậy, tôi xin khẳng định lại, dự án điện hạt nhân là một dự án mang tính chất lâu dài và phức tạp, vì vậy Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Bởi vậy, một trong những mục đích của tôi khi đến Việt Nam là làm thế nào để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế trong phát triển điện hạt nhân và đến ngày hôm nay, tôi đã có được cam kết rất vững chắc từ phía các nhà lãnh đạo Việt Nam. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế cũng khẳng định lại, chúng tôi sẽ làm hết sức để giúp Việt Nam tiến hành thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

PV: Kế hoạch cụ thể sắp tới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế nhằm giúp đỡ Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân, thưa ông?

Ông Amano: Một trong những hoạt động trợ giúp của IAEA đối với Việt Nam là việc cử các đoàn chuyên gia tới đất nước các bạn trợ giúp. Đó là các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong các lĩnh vực về điện hạt nhân. Phía Việt Nam có thể học hỏi được từ những chuyên gia này những kinh nghiệm vô cùng hữu ích cho việc phát triển điện hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế đã có kế hoạch thường niên đưa các đoàn công tác này đến Việt Nam.

Cùng với đó, đơn vị chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2012-2013 với ngân sách khoảng 1 triệu euro. Các dự án kỹ thuật này bao gồm lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án về ứng dụng năng lượng nguyên tử. Điển hình là dự án nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm chuẩn cho việc thanh sát được đặt tại Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, một số dự án cụ thể để giúp đỡ VN về điện hạt nhân và các lĩnh vực khác như nông nghiệp.

PV: Thưa ông, hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo lộ trình, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được khởi công trong năm 2014. Tuy vậy, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhà máy chỉ được xây dựng khi có đầy đủ các yếu tố nhằm đảm bảo độ an toàn cao nhất. Vậy Việt Nam cần thời gian bao lâu để có thể khởi công nhà máy?

Ông Amano: Không có mốc thời gian nhất định cho việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân. Thông thường một quốc gia sẽ mất từ 10 đến 15 năm tính từ giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên một số quốc gia phát triển mất khoảng thời gian ngắn hơn. Do vậy, vấn đề chính ở đây là làm thế nào chuẩn bị kế hoạch và lộ trình một cách tốt nhất.

Lời khuyên của tôi đối với Việt Nam là Chính phủ và các cơ quan chuyên trách lĩnh vực điện hạt nhân cần triển khai các bước một cách hết sức cẩn thận và tham vấn kỹ lưỡng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế. Việt Nam không nên quá vội vàng cho việc này bởi đây là dự án rất lớn đối với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Cần phát tiển điện hạt nhân an toàn, bền vững vì Việt Nam sẽ sử dụng nguồn năng lượng này trong nhiều thập kỷ tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo Báo Tin tức