Thứ tư, 24/04/2024 | 11:38 GMT+7

Công trình áp dụng Qui chuẩn xây dựng Việt Nam

30/12/2013

Nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09: 2013/BXD đã được ban hành theo Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 của Bộ Xây dựng.

Nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09: 2013/BXD đã được ban hành theo Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 của Bộ Xây dựng. Quy chuẩn này thay thế  QCXDVN 09: 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013. Bộ Xây dựng  đã chuẩn bị cho việc áp dụng qui chuẩn này như thế nào, Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Thịnh - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng về vấn đề này.

1de543739_tai_xuong_39.jpg

PV: Bộ Xây dựng vừa ban hành QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, xin hỏi ông quy chuẩn này ra đời có muộn so với đòi hỏi của thực tế không?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Thực tế, QCVN 09:2013/ BXD không phải là quy chuẩn mới mà nó được sắp xếp, bổ sung, chỉnh sửa dựa trên QCVN 09:2005 ban hành theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BXD ngày 17/11/2005. Trong quá trình, bổ sung, chỉnh sửa chuẩn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế gồm: Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới, Cục Năng lượng Đan Mạch và chuyên gia của Phòng thí nghiệm Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. 

PV: Vậy, Bộ Xây dựng đã có sự chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện QCVN 09:2013 này như thế nào, thưa ông ?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Theo kế hoạch thì từ nay đến đến cuối tháng 11/2013 chúng tôi tổ chức 3 hội thảo giới thiệu nội dung quy chuẩn tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cho các đối tượng là cán bộ các Sở Xây dựng, cơ quan nhà nước, cán bộ địa phương, các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, cán bộ năng lượng, chủ tòa nhà… Và chúng tôi đang xây dựng 01 chương trình đào tạo riêng cho đội ngũ quản lý nhà nước, chương trình này do IFC hỗ trợ tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các cán bộ các Sở Xây dựng địa phương. Dự kiến, năm 2014, phía Đan Mạch sẽ xây dựng chương trình đào tạo nhưng hướng đến đối tượng kiến trúc sư, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, chủ công trình... 

PV: Được biết, sau khi ban hành Qui chuẩn, Bộ Xây dựng sẽ áp dụng thí điểm một số công trình?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Đúng vậy. Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thực hiện thí điểm trong 5 công trình để trình diễn việc áp dụng quy chuẩn này. Trong đó, IFC sẽ chọn 3 công trình và Đan Mạch sẽ chọn 2 công trình. Đối với các Sở Xây dựng thì trình diễn thẩm tra hồ sơ thiết kế công trình đảm bảo quy chuẩn. Còn đối với  trình diễn kỹ năng tính toán, thiết kế, sử dụng vật liệu, thiết kế cơ điện. Các công trình thí điểm này sau khi trình diễn sẽ trở thành mô hình để hỗ trợ tập huấn, truyền thông, đào tạo… 

PV: Theo quy chuẩn phạm vi áp dụng chỉ đối với công trình từ 2.500m2  sàn trở lên, vậy thì với các công trình có diện tích nhỏ hơn thì sao thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thịnh:Chúng tôi khuyến khích áp dụng thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, truyền thông...
PV: Vật liệu đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng của mỗi công trình. Vậy khi soạn thảo và ban hành quy chuẩn có quan tâm đến điều này?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Hiện nay, Bộ XD cũng đang xây dựng tiêu chuẩn, đặc tính truyền nhiệt của các loại truyền nhiệt để tư vấn thiết kế chỉ cần áp dụng theo. Nhưng rào cản lớn nhất hiện nay nước ta chưa có phòng thí nghiệm chuẩn về vật liệu tiết kiệm năng lượng. Đây là khó khăn cho nhà tư vấn khi thuyết phục chủ đầu tư sử dụng vật liệu TKNL. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sông Thương (thực hiện)