Thứ tư, 08/01/2025 | 09:45 GMT+7

Rác cũng là tài nguyên

13/12/2013

Trong buổi tọa đàm “Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện – Cơ hội và triển vọng hợp tác” diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ về cơ chế cho các dự án điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có rác thải.

Trong buổi tọa đàm “Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện – Cơ hội và triển vọng hợp tác” diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ về cơ chế cho các dự án điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có rác thải. Khi được thông qua, cơ chế này sẽ mở ra một loạt những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. 

4927cff29_unnamed_3.jpg

Ảnh tọa đàm

Tiềm năng lớn

Ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, rác thải đã được sử dụng là nguyên liệu đầu vào cho một số nhà máy phát điện. Tại Đan Mạch, để cung ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng, quốc gia này thậm chí phải đi nhập khẩu rác thải từ nước ngoài để phát điện. Rác thải đã không còn là nỗi khiếp sợ mà đã trở thành một nguồn tài nguyên vô tận.

Tại Việt Nam, do đang trong quá trình công nghiệp hóa nên Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về thiếu hụt năng lượng và xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Tình trạng quá tải rác thải đang trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thành phố. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu – Sở Tài nguyên môi trường TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố mỗi ngày đã thải ra khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt (trong đó hơn 90% lượng rác được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 10% còn lại làm phân compost). Nếu phân loại rác tại nguồn thành công, thành phố sẽ tái sử dụng 90-95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng (đốt phát điện) và sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. 

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời tìm kiếm một nguồn cung năng lượng mới, dự án xây dựng nhà máy biến rác thải thành điện đầu tiên tại Việt Nam đã vừa được khởi công xây dựng tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Dự án có công suất xử lý 75 tấn/ngày chất thải công nghiệp và nguy hại, đồng thời tận dụng nhiệt phát điện với công suất 1.930 kW (ở chế độ định mức) do Tổ chức phát triển kỹ thuật công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) - Nhật Bản tài trợ là một mô hình kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam, áp dụng công nghệ lò đốt tiên tiến của Nhật Bản để tái sử dụng nguyên liệu chất thải để biến thành điện năng. Dự án sẽ góp phần giảm thiểu áp lực tới các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn thành phố, xử lý triệt để khối lượng chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại của Hà Nội và khu vực lân cận. Ngoài ra còn sử dụng năng lượng từ việc xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất điện năng cấp cho khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, góp phần làm giảm gánh nặng về việc thiếu hụt điện năng của thành phố. Ngoài Hà Nội, nhiều thành phố lớn khác cũng đang trong quá trình thương thảo để tiến tới xây dựng các nhà máy điện từ rác thải.

622fb810b_unnamed_4.jpg

Phối cảnh dự án điện rác tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn – dự án điện rác đầu tiên của VN

Cơ hội hợp tác

Theo các chuyên gia, điểm vướng mắc lớn nhất của các dự án điện từ rác thải nói riêng và các dự án điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nói chung là cơ chế giá cho các nguồn năng lượng này không đủ để bù đắp chi phí, trong khi đó để phát điện từ các nguồn này đòi hỏi công nghệ rất hiện đại và suất đầu tư tương đối lớn. Để gỡ khó cho các dự án điện tái tạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ về cơ chế cho các dự án điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có rác thải. Khi được thông qua, cơ chế này sẽ tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế giá cho các dự án điện rác nói riêng và các dự án điện tái tạo do DN tư nhân đầu tư nói chung. Dự kiến, cơ chế sẽ được thông qua vào cuối năm nay và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2014.

Trước khi cơ chế này có hiệu lực, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường điện rác của Việt Nam. Cũng tại buổi tọa đàm “Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện – Cơ hội và triển vọng hợp tác”, ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty CP Đầu tư phát triển Công nghệ ECOTECH Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, nếu như xây dựng được các mô hình nhà máy phát điện từ rác thải thì không những sẽ giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường mà còn giúp giải bài toán về an ninh năng lượng. ECOTECH và một số công ty có công nghệ phát điện từ rác thải sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho Việt Nam.

Ông Mohd Shokri Daud – Phó Chủ tịch công ty Malakoff – một trong những công ty sản xuất điện độc lập hàng đầu Malaysia cho biết thêm, do điện rác là một trong những lĩnh vực mới tại Việt Nam nên để hợp tác trong lĩnh vực này, Việt Nam cần những đối tác đáng tin cậy cả về kinh nghiệm và công nghệ. Với những kinh nghiệm xây dựng và vận hành các nhà máy điện rác lâu năm, Malakoff có thể mang đến Việt Nam những dự án đầu tư điện rác đảm bảo có chất lượng. 

Dự án điện rác đầu tiên của Việt Nam đã được khởi công, tuy nhiên, đây là dự án Việt Nam được tài trợ. Với nguồn rác thải lớn, cộng với “bà đỡ” đến từ những chính sách sắp được ban hành, thời gian tới, có thể kỳ vọng những dòng điện rác đầu tiên của các dự án đầu tư tư nhân sẽ có thể hòa lưới quốc gia, từ đó góp phần giảm gánh nặng cho nguồn cung năng lượng.

Bảo Anh