Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:31 GMT+7

Hướng đi mới cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam

27/11/2013

Một khi Việt nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng thuần vào năm 2015 thì năng lượng tái tạo và vấn đề tiết kiệm năng lượng sẽ có sức hút với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một khi Việt nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng thuần vào năm 2015 thì năng lượng tái tạo và vấn đề tiết kiệm năng lượng sẽ có sức hút với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và hợp tác giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức phi chính phủ (NGO) chính là cơ hội để phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam trong tương lai.
0fa61b3d8_img_7259.jpg

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam” do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức sáng 26/11, ông Trương Vĩnh Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư tiến bộ Toàn cầu cho rằng, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi động phát triển năng lượng bền vững. Việc hỗ trợ cũng như các chính sách khuyến khích vẫn còn chậm so với nhu cầu cầu về nguồn năng lượng tái tạo cũng như tiết kiệm năng lượng hiện nay.

Ngoài ra, chi phí đầu tư cho năng lượng sạch đang cao hơn chi phí cho các nguồn năng lượng truyền thống. Do vậy, năng lượng sạch hiện mới chỉ được áp dụng ở một số khu vực đặc biệt như biển đảo, nơi điện lưới chưa tới được. Cùng đó, công nghệ phụ trợ và khả năng tự sản xuất các thiết bị, sản phẩm năng lượng sạch tại Việt Nam còn thiếu. Nhận thức của người dân về năng lượng sạch còn mơ hồ, khả năng cập nhật công nghệ về lĩnh vực này còn hạn chế.

Theo ông Toàn, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy đang sống trên mỏ vàng, sống trên năng lượng nhưng Việt Nam vẫn thiếu năng lượng. Tuy thời điểm này, một số doanh nghiệp bắt đầu chú ý phát triển lĩnh vực này nhưng còn rất nhiều rào cản chưa thể tháo gỡ. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn có cơ hội để chia sẻ cơ hội, xúc tiến ý tưởng để thúc đẩy vấn đề phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID cho biết, ngoài những thách thức kể trên thì giá năng lượng hiện nay tại Việt Nam còn rất thấp nên chưa khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo dự báo năm 2015, Việt Nam sẽ là nước nhập khẩu thuần năng lượng, điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận với giá năng lượng của thị trường thế giới. Khi đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng khu vực phi chính phủ NGO hoạt động trong lĩnh vực năng lượng chia sẻ cơ hội, hợp tác, phát triển.

Theo bà Khanh, lý do để thúc đẩy sự hợp tác giữ khu vực tư nhân với các NGO trong thời gian tới chính là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Nếu doanh nghiệp trong nước tự sản xuất các thiết bị tiết kiệm năng lượng thì chắc chắn không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc. Nhưng với lợi thế địa phương, hiểu tiếp cận của thị trường này, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện được tình hình trong thời gian ngắn. Cùng đó, từng bước giúp lĩnh vực năng lượng sạch nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống cũng như hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia.

GreenID cũng cho biết, một khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với NGO thì chính NGO sẽ trở thành khách hàng đầu tiên sử dụng thiết bị công nghệ của doanh nghiệp. NGO đồng thời cũng là kênh hỗ trợ quảng bá sản phầm, kết nối cung-cầu, tạo thị trường tiêu dùng sản phẩm thông qua các dự án được triển khai. Ngoài ra, NGO sẽ giúp doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường; triển khai các ý tưởng kinh doanh có mục tiêu xã hội, hoặc có thể là đầu mối kết nối nguồn lực cho doanh nghiệp thông qua hình thức hợp tác công-tư…

Tại hội thảo, GreenID cũng giới thiệu một số chương trình phát triển năng lượng bền vững do các NGO đang và đã triển khai tại Việt Nam để một số doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn tham gia như: Quỹ Thách thức doanh nghiệp; Chương trình Thử thách sáng tạo bền vững (hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ); Chương trình hỗ trợ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Phần Lan-Đan Mạch, EU đang mở lĩnh vực năng lượng trong hợp tác phát triển tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020…

Theo NangluongVietnam.vn