Tháng 10/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam, với các nội dung: Sửa đổi Hiệp định tài trợ dự án “Năng lượng nông thôn 2”; Phê duyệt 2 dự án tự động hóa vận hành lưới điện; Phê duyệt dự án “Đường dây 500 KTDV Hatxan- Pleiku” vay vốn ADB; Nhiều ưu đãi người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Kiểm tra quy trình vận hành hồ thủy lợi, thủy điện ở 3 tỉnh.
Sửa đổi Hiệp định tài trợ dự án “Năng lượng nông thôn 2”
Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý sửa đổi Hiệp định Tài trợ của Dự án "Năng lượng nông thôn 2" do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cơ quan cho vay lại nguồn vốn vay của dự án, thẩm định năng lực tài chính và phương án trả nợ theo đúng quy định tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ký thỏa thuận cho vay lại với Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh tương ứng trong dự án căn cứ vào các nội dung điều chỉnh, làm cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo.
Văn bản số: 8707/VPCP-QHQT, ngày 17/10/2013.
Phê duyệt 2 dự án tự động hóa vận hành lưới điện
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án "miniSCADA thành phố Tam Kỳ" và dự án "miniSCADA thành phố Pleiku" sử dụng ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan.
Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản dự án. Chủ dự án là Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Mục tiêu của hai dự án nêu trên là tự động hóa quá trình điều khiển và vận hành lưới điện phân phối tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Gia Lai nhằm giảm tổn thất điện năng và giảm thiểu thời gian mất điện do sự cố, tăng hiệu quả vận hành và an toàn trong vận hành điều độ cung cấp điện, đảm bảo cấp điện ổn định cho khu vực dự án, góp phần nâng cao độ tin cậy và hiệu quả của dịch vụ cung cấp điện.
Dự án "miniSCADA thành phố Tam Kỳ" có mức vốn đầu tư 4,61 triệu USD, trong đó vốn vay ODA 3,35 triệu USD, vốn đối ứng 1,26 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng.
Dự án "miniSCADA thành phố Pleiku" có mức vốn đầu tư 4,57 triệu USD, trong đó vốn vay ODA 3,2 triệu USD, vốn đối ứng 1,37 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn chỉnh văn kiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn vay ODA.
Quyết định số: 1878/QĐ-TTg, ngày 15/10/2013.
Phê duyệt dự án “Đường dây 500 KTDV Hatxan- Pleiku” vay vốn ADB
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án “Đường dây 500 KTDV Hatxan- Pleiku” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Mục tiêu của dự án đường dây 500 KTDV Hatxan - Pleiku được đầu tư xây dựng nhằm mục đích chuyển tải 80% lượng công suất nguồn thủy điện nhập khẩu từ khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia có chi phí phát điện thấp về Việt Nam.
Mức vốn đầu tư của dự án là 95,471 triệu USD, trong đó vốn ODA là 79,17 triệu USD.
Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của dự án. Dự án được thực hiện tại các tỉnh Kon Tum và Gia Lai trong 2 năm, 2013-2014.
Dự án thực hiện quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đảm bảo cung cấp điện chất lượng, an toàn lâu dài cho phụ tải trong nước và khu vực, tạo tiền đề cho việc liên kết hệ thống điện 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong tương lai.
Thời hạn thực hiện dự án là 2 năm (2013 - 2014).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn chỉnh văn kiện theo ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, thực hiện các thủ tục chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án theo đúng các quy định tại Nghị định số38/2013/NĐ-CP, về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Văn bản số: 1801/QĐ-TTg, ngày 3/10/2013.
Nhiều ưu đãi người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hàng tháng…
Nghị định này áp dụng đối với người đi đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đáp ứng 4 điều kiện: Là công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tuyển chọn đi đào tạo, bồi dưỡng; Có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tinh thần trách nhiệm cao; Có đủ sức khỏe để tham gia học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.
Nghị định số: 124/2013/NĐ-CP, ngày 14/10/2013.
Kiểm tra quy trình vận hành hồ thủy lợi, thủy điện ở 3 tỉnh
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước ở 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk.
Vừa qua, một số hồ chứa nước thủy lợi ở 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk đã bị tràn, vỡ hoặc xả lũ khẩn cấp gây ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Do vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk và các cơ quan liên quan kiểm tra lại việc thực hiện quy định về xả nước, tích nước của các hồ chứa Đồng Đáng, Thung Cối (Thanh Hóa); việc vận hành xả lũ của các hồ chứa Vực Mấu (Nghệ An), Ea D'răng (Đắk Lắk).
Phó Thủ tướng yêu cầu nếu phát hiện trường hợp vận hành hồ chứa sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; chấn chỉnh việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước và các quy định về quản lý an toàn đập; đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi vận hành xả lũ hồ chứa nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2013.
Tăng cường quản lý an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, địa phương có hồ chứa triển khai một số biện pháp, nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước.
Hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ 30 đến 40 năm trước, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế nên nhiều hồ đập không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan hiện nay. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành hồ còn mỏng, nhiều nơi không có đội ngũ đủ năng lực chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhiều hồ đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập của các Bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động. Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập của chủ đập chưa đầy đủ, nghiêm túc: Nhiều chủ đập chưa thực hiện kiểm định đập và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ, chưa cắm mốc giới xác định phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập, chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, chưa lập, phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du. Nhiều hồ đập thiếu hệ thống quan trắc, chưa có hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, chưa xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ cho vùng hạ du...
Văn bản số: 21/CT-TTg, ngày 14/10/2013.
Theo NangluongVietnam.vn