Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:56 GMT+7

"Việt Nam đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân"

29/10/2013

Ngày 28/10, tại Hội nghị cấp cao về Năng lượng diễn ra ở Singapore, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, đã trình bày chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam và đưa ra những đề xuất hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực năng lượng.

Ngày 28/10, tại Hội nghị cấp cao về Năng lượng diễn ra ở Singapore, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, đã trình bày chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam và đưa ra những đề xuất hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực năng lượng.

039ee1255_nhj_97520.jpg

Phát biểu tại phiên họp về sự nổi lên của năng lượng hóa thạch, ông Lê Tuấn Phong cho biết mục tiêu tổng quát của Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia đến năm 2020, Tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội; đa dạng hóa các nguồn năng lượng; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo ông Phong, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, khoảng 7%/năm trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 và khoảng 5%/năm trong 10 năm tiếp theo, Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng khai thác khí thiên nhiên trong nước vào khoảng 19 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2015-2025; đến năm 2020 đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên, công suất khoảng 1.000 MW, vào vận hành và phấn đấu nâng tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân lên khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và 15.000 MW vào năm 2030; đồng thời ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo để tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này lên mức 5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 8% vào năm 2030.

Về hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực năng lượng, Trưởng đoàn Việt Nam đề xuất tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước sản xuất, vận chuyển và sử dụng năng lượng, đồng thời thúc đẩy sáng kiến khu vực và quốc gia nhằm đẩy mạnh an ninh năng lượng và sử dụng năng lượng bền vững.

Ông Phong cũng khẳng định với đại biểu tham dự hội nghị rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh, hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật và nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hoạt động hợp tác và kết nối với nước ngoài, thiết lập cơ chế chuyển giao kỹ thuật và chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị cấp cao lần này, Singapore đã ký văn bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác năng lượng với Campuchia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là thỏa thuận đầu tiên trong lĩnh vực này mà Singapore ký với hai nước nói trên. Thỏa thuận quy định khuôn khổ chính thức cho việc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa Singapore với Campuchia và UAE trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng. Thỏa thuận cũng tạo điều kiện cho hợp tác khu vực tư nhân trong các hoạt động khai thác năng lượng.

Dự án đầu tiên của MOU ký giữa Singapore và Cambodia là việc đào tạo 60 quan chức Campuchia về hệ thống an toàn điện. Dự án này được thực hiện tại Campuchia với nguồn tài trợ của Tập đoàn Temasek và Cơ quan Quản lý Thị trường Năng lượng của Singapore và Bộ Công nghiệp, Khoáng sản và Năng lượng của Campuchia.

Các hoạt động nói trên được tiến hành trong khuôn khổ Tuần Năng lượng Quốc tế của Singapore (SIEW) được tổ chức tại “Đảo quốc Sư tử” từ ngày 28/10 đến ngày 1/11.

Theo Vietnam+