Thứ năm, 21/11/2024 | 20:26 GMT+7

Lời giải cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam?

11/10/2013

Hơn 200 hộ tại tỉnh Thái Bình được cấp các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời như bình nước nóng, đèn bão, bếp đun cải tiến

Hơn 200 hộ tại tỉnh Thái Bình được cấp các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời như bình nước nóng, đèn bão, bếp đun cải tiến; toàn xã Nam Cường (Thái Bình) và hơn 1000 học sinh, giáo viên, UBND, trạm ý tế xã Bắc Hải (Thái Bình) có hệ thống cấp nước sạch tinh khiết RO sử dụng năng lượng mặt trời.

Đó là những thành quả đáng mừng từ Kế hoạch Năng lượng Địa phương (LEP) sau những tháng đầu thí điểm triển khai tại hai xã Nam Cường và Bắc Hải của tỉnh Thái Bình, công bố tại buổi hội thảo về Tăng trưởng xanh (TTX) với chủ đề “Mô hình tăng trưởng: Thách thức, Giải pháp thay thế và Xu hướng” ngày 8-10 tại Hà Nội.

34b36d874_76660928917c9c2a8b292383e908f650_l.jpg

Diễn giả tại hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp từ các đại biểu.

Ông Hans Thie, chuyên gia kinh tế chính trị thuộc Đảng Cánh tả Đức, đồng thời là diễn giả tại hội thảo, cho biết, tại châu Âu hiện nay đã xuất hiện một sự đồng thuận từ LHQ và khối các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc tập trung hiệu quả công nghệ vào việc phát triển nguồn lực, tách rời tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng nguồn lực tự nhiên, xanh hóa nền kinh tế.

“Mặc dù vậy, thực trạng sinh thái vẫn còn nhiều bất cập: Tăng trưởng vẫn còn tách rời trong nhiều thập kỷ; sự tài chính hóa tài nguyên thiên nhiên; tình trạng mất đất, tăng lượng phát thải carbon; tình trạng “bẫy kép”: quá tải vùng thải và nguồn lực cạn kiệt...” – ông lo ngại.

Bài học từ nước bạn

Theo ông Hans, tại Đức, Đảng Cánh tả đã trình lên Chính phủ nước này tám “chính sách xanh” trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và một số ngành khác, tiêu biểu là các đề xuất nghiên cứu khí hậu quốc tế; xác định những thiếu sót về chính sách môi trường; kết thúc quan điểm làm ngơ về mặt sinh thái; thúc đẩy chuyển đổi hệ thống năng lượng. Cụ thể hơn là lồng ghép công việc với cuộc sống, tránh dồn nén, mất kiểm soát về mặt đô thị; xanh hóa các ngành công nghiệp, giảm tối đa lượng rác thải…

Luật Năng lượng tái tạo của Đức đã chỉ ra khả năng thay đổi cấu trúc nhanh chóng, nhằm thay thế nguồn năng lượng thông thường bằng năng lượng tái tạo, mở đường cho phát triển hệ thống năng lượng phân cấp toàn diện. Nhờ đó, Đức ngày càng có nhiều khu đô thị, hợp tác xã năng lượng mới.

Cùng với đó là việc nhiều địa phương tuyên bố khả năng tự chủ năng lượng, dựa trên nền tảng tái tạo năng lượng ngay trong khu vực. Những dự án bảo tồn năng lượng cấp địa phương ngày càng trở nên rõ nét, hiệu quả và đem lại lợi ích cộng đồng cụ thể. Người dân tại các địa phương còn được đầu tư trực tiếp vào những dự án này nên ý thức của họ tự động được nâng cao.

Ngoài ra, Đức còn có ba trung tâm “đào tạo nghề xanh”, hướng tới chuẩn bị mặt bằng kiến thức về TTX cho lực lượng lao động mới và đưa nguồn nhân lực này tham gia các dự án lớn. Từ những chương trình này, Đức đã có nhiều thành quả mang tầm vĩ mô như “thành phố của xe đạp” Kopenhagen, “thành phố xanh” Freiburg…

“Điều lợi trước mắt là cơ hội việc làm và nguồn thu nhập mới, chi phí năng lượng rẻ hơn, khí thải ít hơn, rác được xử lý hiệu quả hơn, nguồn điện tại từng địa phương cũng được ổn định”, ông Hans cho hay.

Triển khai ở một số địa phương tại Việt Nam

Trong báo cáo tại hội thảo của bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID, tổ chức phi lợi nhuận thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có đưa ra những ví dụ về việc triển khai LEP tại các địa phương.

Các bước của LEP được thực hiện một cách khoa học. Ban đầu là đào tạo người phỏng vấn, thu thập số liệu tại địa phương. Từ những số liệu đó, các chuyên gia kỹ thuật sẽ phân tích, thảo luận và đưa ra các lựa chọn về giải pháp công nghệ phù hợp cho người dân, thông qua hình thức thăm quan học tập, triển lãm, trình diễn.

Điểm mấu chốt là người dân được tham gia vào mọi bước thực hiện, từ việc thu thập dữ liệu đến lựa chọn phương án triển khai. Lợi ích của việc đó là giảm lượng khí thải carbon, giảm chi tiêu về năng lượng cho người dân, tiết kiệm kinh phí cho địa phương để thực hiện những “việc làm xanh” khác.

Địa phương đi đầu trong công tác triển khai LEP là Thái Bình, được thực hiện trong thời gian tháng 5 đến hết tháng 9-2013. Hiện nay, toàn xã Nam Cường (tỉnh Thái Bình) đã được cấp hệ thống lọc nước tinh khiết RO; 13 hộ có bình nước nóng, 25 hộ có đèn bão, tất cả đều sử dụng năng lượng mặt trời. Hệ thống biogas cộng đồng ước tính cung cấp đủ cho 50 hộ, hoạt động cùng với hệ thống biogas gia đình đã được cấp cho 10 hộ.

Tại xã Bắc Hải (Thái Bình), 800 học sinh, 200 giáo viên, Ủy ban xã, Trung tâm Y tế được cấp hệ thống RO, 16 hộ có bình nước nóng, 60 hộ có bếp cải tiến, hệ thống biogas gia đình cung cấp đủ cho 32 hộ.

Cũng theo GreenID, LEP đang được tích cực triển khai tại Nam Định và Thừa Thiên Huế, đồng thời xem xét, phân tích tiềm năng mở rộng đến các khu vực Sông Mê Công.

LEP: Chìa khóa thúc đẩy TTX?

Dù những mô hình phát triển trên đã cho thấy những kết quả khả quan, nhưng cùng với quá trình triển khai cụ thể, vẫn nảy sinh những lo ngại về việc bảo tồn nét văn hoá của từng địa phương. Về vấn đề này, ông Hans đưa ra khuyến nghị nên phân cấp hoá, trao quyền cho các bên liên quan.

“Có thể thí điểm tại một số quận, huyện nhất định, cho họ một số quyền lợi rõ rệt. Từ đó, việc tạo nguồn năng lượng xanh được thực hiện ở các cấp doanh nghiệp, cơ sở; người dân được tham gia đầu tư vào những chương trình, chính sách mới”, ông chia sẻ.

Triển khai ra sao để bảo đảm ngân sách Nhà nước?

“Chúng ta nên học kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời có chính sách để thay đổi suy nghĩ của người dân về TTX và tăng trưởng bền vững. Việc này cũng không thể làm một sớm một chiều, nên nhớ, Việt Nam đi lên từ chiến tranh với hai bàn tay trắng…” – PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) giải thích.

9afdbea13_2813904437.jpg

Ông Hans Thie trình bày về vấn đề phát thải khí CO2.

“Việt Nam đang tập trung hỗ trợ TTX từ các khía cạnh xã hội, giáo dục. Hiện nay, luật khoáng sản đã tạo nên một “hàng rào” ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi, luật đất đai cũng đang được thảo luận, hướng tới quản lý rõ ràng, tốt hơn… Nhưng trách nhiệm không chỉ thuộc về khu vực công, mà còn phải kể đến các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức này nên đệ trình lên Chính phủ các ý kiến đóng góp, những báo cáo thực tế, vốn là thế mạnh của họ”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT), nhận định.

Ông cũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang xây dựng bản Kế hoạch hành động, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10-2013. Kế hoạch này gồm 12 nhóm, 66 hoạt động, nhằm cụ thể hóa các giải pháp thành những đề án, dự án, nhóm công việc; hướng tới hoàn thiện Chiến lược Quốc gia về TTX của Việt Nam.

Trong bản kế hoạch này, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất thành lập một “quỹ phát triển xanh”, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, cho phép tư nhân tiếp cận nguồn vốn, mở ra cơ hội cho các tổ chức xã hội dân sự góp phần phát triển TTX tại từng địa phương cụ thể.

Theo Báo Nhân Dân