Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:07 GMT+7

Chính phủ chỉ đạo về điều hành năng lượng

01/10/2013

Tháng 9/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam

Trong tháng 9/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam, với các nội dung: Từng bước thí điểm và hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Theo đó, Thủ tướng đã cơ bản thống nhất chủ trương nâng cấp NMLD Dung Quất; Ban hành chính sách di dân Dự án điện hạt nhân NinhThuận; Yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.

aa388507f_project_16912.jpg
Từng bước thí điểm và hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Ngày 3/9, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình phát triển thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam, sau khi nghe các tập đoàn, Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó thủ tướng kết luận:

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, hạ tầng công nghệ thông tin đã đáp ứng được các các yêu cầu cơ bản trong vận hành thị trường điện; công tác đào tạo nguồn nhân lực có nhiều cố gắng; đã tăng tính công khai, minh bạch trong công tác huy động nguồn điện; giá điện được hình thành trên quy luật cung cầu và được kiểm soát nên đã tránh được việc đẩy giá lên cao trong các tháng mùa khô...

Tuy nhiên, thị trường điện cũng đã bộc lộ một số điểm còn hạn chế, tính cạnh tranh trong thị trường còn thấp, các nhà máy điện trực tiếp chào giá mới chỉ chiếm 37,8% công suất lắp đặt toàn hệ thống; giá truyền tải điện còn thấp, làm hạn chế sự phát triển của lưới điện truyền tải...

Để thị trường phát triển điện cạnh tranh tiếp tục hoạt động ổn định, đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan có kế hoạch cụ thể để đưa các nhà máy điện có đủ điều kiện tham gia trực tiếp giao dịch vào thị trường để nâng cao tính cạnh tranh của thị trường điện.

Đồng thời rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp, quy trình thanh toán, bảo đảm thời gian thực hiện thanh toán chính thức và quyết toán tiền điện trên thị trường được rút ngắn, hợp lý nhất.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các đơn vị tham gia thị trường điện. Yêu cầu các nhà máy điện tham gia thị trường điện phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia để đảm bảo an ninh hệ thống.

Bộ Công Thương xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về xử lý cho các đơn vị tham gia thị trường, trong đó có tổ chức diễn tập về các tình huống sự cố và các giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh công tác phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện, phục vụ tốt cho các đơn vị tham gia thị trường.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo yêu cầu kế thừa hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đang sử dụng, đáp ứng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống công nghệ thông tin tại các thị trường điện thành công trên thế giới.

Văn bản số: 344/TB-VPCP, ngày 10/9/2013.

Thủ tướng đã cơ bản thống nhất chủ trương nâng cấp NMLD Dung Quất

Chiều ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số đơn vị thành viên.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị nhiều vấn đề, nổi bật nhất là việc hỗ trợ nguồn thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm, trong đó dự án đường Tịnh Phong - Cảng Dung Quất II (giai đoạn I) là 2.500 tỷ đồng. Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn I) đoạn Mỹ Khê - Dung Quất là 1.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn là 220 tỷ đồng.

Kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế - vững về quốc phòng, an ninh. Trong đó, cho tỉnh triển khai đầu tư xây dựng bảo tàng lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa tại đảo Lý Sơn, với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Chính phủ chỉ đạo sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện từ hệ thống quốc gia cho huyện Lý Sơn bằng cáp ngầm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng đồng ý cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng lên 10 triệu tấn/năm. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ tối đa, nhất là việc giải phóng mặt bằng và tái định cư để dự án được triển khai thuận lợi nhất.

Cùng với đó, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc đưa khí từ các mỏ 117, 118, 119 vào bờ tại (Khu kinh tế) KKT Dung Quất, nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để giảm chi phí đầu tư và tạo điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung và KKT Dung Quất nói riêng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Quảng Ngãi. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cơ bản thống nhất với một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi như việc mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; đầu tư điện bằng cáp ngầm từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn, xây dựng bảo tàng lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa tại đảo Lý Sơn; bố trí vốn cho một số dự án quan trong trên địa bàn tỉnh…

Đối với việc đưa khí từ các mỏ vào KKT Dung Quất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và PVN nghiên cứu tính toán phương án hợp lý và có lợi nhất để triển khai.

Ban hành chính sách di dân Dự án điện hạt nhân NinhThuận

Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu đất được bố trí tái định cư theo Quy định này, nếu nhận đất ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền bằng với khoản chênh lệch đó.

Quyết định cũng quy định cụ thể đối tượng hỗ trợ, đơn giá, diện tích cho suất tái định cư tối thiểu. Trong đó, diện tích hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cho hộ gia đình, cá nhân được bố trí 1 nền tái định cư là 200 m2.

Hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư theo quy định mà tự lo chỗ ở (tự nguyện và có cam kết không nhận nền đất tái định cư) thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư tập trung.

Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống trong căn nhà bị giải tỏa, đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có quyền sử dụng trong một thửa đất ở bị thu hồi, thì mỗi hộ gia đình được giao 1 lô đất có thu tiền tại khu tái định cư do UBND tỉnh Ninh Thuận quy định, phù hợp với quy hoạch tái định cư (không được hưởng hỗ trợ khoản chênh lệch theo quy định).

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thu hồi đất nông nghiệp, sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống. Cụ thể, mỗi nhân khẩu hợp pháp thuộc hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất sản xuất phải di chuyển chỗ ở được hỗ trợ lương thực trong thời gian 48 tháng.

Hộ bị thu hồi từ 30-70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng hợp pháp (được giao khoán) được hỗ trợ lương thực trong thời gian 24 tháng; hộ bị thu hồi trên 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (được giao hoặc giao khoán) được hỗ trợ lương thực trong thời gian 36 tháng.

Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu nêu trên được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo tẻ thường/người/tháng theo giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.

Khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, mà bị ngừng sản xuất kinh doanh, thì được hỗ trợ bằng 30% của 1 năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó được cơ quan thuế xác nhận; trường hợp chưa được cơ quan thuế xác nhận thì việc xác định thu nhập sau thuế được căn cứ vào thu nhập sau thuế do đơn vị kê khai tại báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm gửi cơ quan thuế.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ bằng 80% giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt chăn nuối và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công thương nghiệp.

Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ về y tế, giáo dục, thắp sáng, cấp nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm…

Văn bản số: 1504/QĐ-TTg, ngày 30/8/2013.

Yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai

Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết luận đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng, xem xét, rà soát lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản kiến nghị về việc thực hiện các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu. Việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hoà các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên.

Việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23ha đất rừng; trong đó đặc biệt có 128,37ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Bên cạnh đó, hai dự án thủy điện trên cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. Tuy nhiên báo cáo tác động môi trường lại chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa của khu vực. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo tác động môi trường còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.

Ngoài ra, do không chuyển dòng chảy, nên tổng lượng nước chảy về hồ Trị An hầu như không thay đổi. Trong khi hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là điều tiết ngày nên các hồ chứa này sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Mặt khác, báo cáo tác động môi trường cũng chưa phân tích rõ vai trò của dòng chảy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước gia tăng theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội phía hạ du, môi trường sống cho hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt đoạn sông ngay sau đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và khu ngập nước Bàu Sấu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, trường hợp nếu các dự án trên được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận… Việc thực hiện các hạng mục này sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế-xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Một tác động khác là tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu Ro, Châu Mạ, STiêng , M'Nông… Hơn nữa, nếu triển khai hai dự án trên sẽ gây bất lợi đến quá trình xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Theo NangluongVietnam.vn