Ngày 5/9/2013, tại Hà Nội, Tổng cục năng lượng (GDoE) - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo công bố cơ chế tài chính mới cho vay của dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP).
Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng- Bộ Công Thương) giới thiệu về dự án.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng cho biết, mục tiêu của dự án REDP nhằm cung cấp điện cho quốc gia từ nguồn năng lượng tái tạo, tập trung vào thủy điện nhỏ trên cơ sở đầu tư mang tính thương mại, đảm bảo phát triển bền vững về môi trường và xã hội. Tổng nguồn vốn của dự án là 318,05 triệu USD. Trong đó, tổng vốn ODA cho dự án là 204,275 triệu USD, vốn trong nước là 113,78 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2014.
REDP có ba hợp phần, gồm đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo (NLTT), xây dựng khung chính sách phát triển và phát triển các dự án NLTT tương lai. Theo đó, hợp phần 1 là hỗ trợ đầu tư các dự án NLTT theo hình thức cho vay lại từ nguồn vốn của ngân hàng thế giới (WB) thông qua 6 ngân hàng thương mại với những dự án thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW. Đến nay đã có 9 dự án thủy điện nhỏ tổng công suất lắp đặt 127,2 MW, tổng vốn đầu tư 132,6 triệu USD đã được phê duyệt cho vay vốn từ dự án REDF là 78 triệu USD, đạt 39% tổng vốn dự án. Tổng số tiền đã giải ngân đạt trên 54 triệu USD. Hiện có 5 dự án đã hoàn thành và phát điện với tổng công suất 68 MW, còn 4 dự án tổng công suất 58 MW đang thi công dự kiến sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2014.
Theo ông Thắng, sau 3 năm thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án còn chậm, mới đạt 39%. Nguyên nhân là do điều kiện cho vay lại của các ngân hàng chưa hợp lý, biến độ tính lãi suất cho vay quá rộng, mức lãi suất cho vay cao chưa hấp dân chủ đầu tư…
Để việc sử dụng vốn vay cho dự án REDF có hiệu quả, ngày 9/8/2013, Chính phủ đã ra Văn bản 6597 đồng ý điều chỉnh cơ chế tài chính Hợp phần tín dụng của dự án REDP vay vốn WB.
Tại Hội thảo, các chủ đầu tư được nghe giới thiệu về chính sách điều chỉnh cơ chế tài chính Hợp phần tín dụng của dự án REDP. Theo đó, từ 16/7/2013, các chủ đầu tư dự án sẽ được vay vốn trong thời hạn 12-15 năm, được hỗ trợ 1,5% lãi suất. Gia hạn thực hiện dự án thêm 2 năm (đến 30/6/2016). Hạn mức áp dụng thông lệ thương mại cho mua sắm hàng hóa tăng từ 1 triệu USD lên 3 triệu USD, áp dụng cho xây lắp tăng từ 7 triệu USD lên 15 triệu USD. Đồng thời, các ngân hàng thương mại được xem xét mở tài khoản ủy quyền tại ngân hàng để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư cũng được nghe giới thiệu chương trình tài chính các bon thuộc dự án REDP, quy trình vay vốn của các dự án…
Cũng theo ông Thắng, ngoài các dự án thủy điện nhỏ, các loại NLTT khác như điện gió, biomas, rác thải đều có thể tham gia dự án REDF.
Theo ICON.com.vn