Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:39 GMT+7

Phát triển bền vững với công nghệ xanh

09/09/2013

Với việc phát triển và sở hữu công nghệ xanh, mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm cũng như phát triển kinh tế một cách bền vững hoàn toàn có thể đạt được bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế”

Với việc phát triển và sở hữu công nghệ xanh, mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm cũng như phát triển kinh tế một cách bền vững hoàn toàn có thể đạt được bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế” - Đó là đánh giá của hầu hết đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại họp báo thông tin về Green Biz 2013 ngày 4/9/2013.
 
78abf1451_grb2.jpg

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Eurocham, VCCI tại họp báo thông tin về Green-Biz 2013. 

Thành quả

Từ sau Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển Rio 1992 đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện phát triển bền vững và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Những thành quả đạt được về kinh tế đã tạo nguồn lực cho việc giải quyết thành công hàng loạt vấn đề xã hội: xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) và thành lập Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành một số chương trình Nghị sự 21 ngành và địa phương. Quan điểm phát triển bền vững được khẳng định trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua các thời kỳ và được tái khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, đó là: "Phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược."

Và trong thời gian này, nhiều hoạt động, mô hình, sáng kiến phát triển bền vững đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong số những hoạt động, mô hình, sáng kiến đã được triển khai có những mô hình, sáng kiến tốt, được xem như là những điển hình phát triển bền vững ở Việt Nam. Điển hình là Chương trình Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Chương trình Phát triển kinh tế xã hội và các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Làng sinh thái ở Việt Nam: điển hình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn hài hòa với thiên nhiên; Đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong số các nước đang phát triển và có điều kiện tương đồng thì Việt Nam có thể xem là điển hình hiếm hoi về cam kết và nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển xanh và bền vững. EuroCham cũng như các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao tiến trình và những nỗ lực rất cao này của Việt Nam.
 
958cc3d78_grb1.jpg

Nếu sử dụng công nghệ xanh trong sản xuất, ngành xi măng sẽ tiết kiệm được nhiều điện năng. 

Thách thức

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong đó, nguồn năng lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Từ những hạn chế này, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến các sáng kiến giúp mang lại thay đổi, làm thế nào để cân bằng nhu cầu năng lượng với nhu cầu giảm thiểu khí thải CO2.

“Ngày nay, các hoạt động xanh và ít tác động xấu tới môi trường đã trở nên thiết yếu và trở thành mô hình phát triển cho toàn thể doanh nghiệp và xã hội. Việc cùng nhau vượt qua con đường dài đầy chông gai hướng tới sự phát triển bền vững không phải là điều dễ dàng, vì vậy, chúng ta cần huy động toàn bộ nguồn lực cũng như năng lực để chung tay phát triển, hướng đến một tương lai xanh. Khi Việt Nam và nền kinh tế phát triển thịnh vượng thì các doanh nghiệp cùng toàn xã hội sẽ có được lợi ích bền vững,” ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham khẳng định với phóng viên bên hành lang sau họp báo.

Chia sẻ với phóng viên Icon.com.vn về giải pháp cho phát triển xanh và bền vững, bà Camilla Mellander – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, Thụy Điển là nước có nhiều kinh nghiệm và thành công trong ứng dụng công nghệ xanh, Thụy Điển là một trong 5 quốc gia phát triển công nghệ sạch hàng đầu thế giới trong số các nước Thủy Điện, Đan Mạch, Anh, Đức, Israel. Thụy Điển có 6.000 công ty công nghệ sạch hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu về các giải pháp phát triển bền vững cho phương án một hành tinh dự kiến sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050. Và Thụy Điển cũng tự hào về 2 dự án “thành phố phát triển bền vững” là Tomorrow tại Malmo và Hammarby Waterfront tại Stockholm. Trong đó, Malmo có thể coi là một ví dụ điển hình về thành phố xanh khi 39.9% mức tiêu thụ năng lượng của thành phố và người dân là hoàn toàn từ năng lượng tái tạo – biogas. Do đó, Thụy Điển cam kết sẽ hỗ trợ và chia sẻ với Việt Nam.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Ngô Văn Huy – Tổng giám đốc quốc gia Philips Electronics Việt Nam thì chiếu sáng chiếm 19% nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong đó các tòa nhà không dân cư, văn phòng, trường học, cửa hàng và đường phố và đặc biệt là ở khu đô thị chiếm 75% lượng điện tiêu thụ cho việc chiếu sáng. Riêng với Việt Nam thì tỷ lệ này thậm chí ở Việt Nam có lên tới 25% (cho việc chiếu sáng). Việt Nam đang ngày càng phát triển theo xu hướng đô thị hóa. Ngay bây giờ, việc áp dụng các giải pháp chiếu sáng bền vững là vấn đề cần thiết và quan trọng giúp giải quyết các nhu cầu về năng lượng. Chiếu sáng có hiệu quả về năng lượng là một cơ hội cho Việt Nam và sẽ đồng thời mang lại lợi ích cho người dân và lợi thế cạnh tranh trong tương lai cho cả quốc gia.

Trong 2 ngày 19 và 20/9/2013, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Bộ Công Thương; Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức Hội nghị và Triển lãm về các giải pháp Kinh doanh xanh của châu Âu cho Việt Nam (Green-Biz 2013) lần thứ ba.

Green-Biz 2013 sẽ tập trung vào các thách thức thực tế (như ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng...) cũng như phương hướng giải quyết các thách thức đó. Sự kiện bao gồm một Hội nghị và một triển lãm quốc tế nhằm kết nối đồng thời tạo ra kênh đối thoại giữa các doanh nghiệp trong nước và châu Âu, giữa các doanh nghiệp và Chính phủ.

Chủ đề chính của Hội nghị Green-Biz 2013 sẽ hướng vào các nội dung tăng cường nhận thức về lối sống xanh bao gồm giáo dục xanh, tư duy xanh, y tế và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản xuất sạch và quản lý tài nguyên.
 
Theo ICON.com.vn