“Những dự án và kế hoạch chung của Việt Nam và Liên bang Nga (LB Nga) trong lĩnh vực năng lượng đang đặt nền móng cho sự hợp tác mang tính chất lâu dài và có lợi cho cả hai bên” - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế LB Nga A.E. Likhachev trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam nhân chuyến thăm và làm việc mới đây của ông tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế LB Nga A.E. Likhachev
Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới LB Nga năm 2012, Việt Nam và LB Nga đã xác định xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ này có tác động như thế nào đến hợp tác kinh tế giữa hai nước, thưa ông?
Quan hệ kinh tế giữa LB Nga và Việt Nam đang có sự tăng trưởng bền vững và đa dạng các mô hình hợp tác. Kết quả này có được là nhờ những thỏa thuận mang tính quy mô lớn trong những năm gần đây giữa lãnh đạo hai nước cũng như giữa các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác kinh tế thương mại chính là một bộ phận quan trọng cấu thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam.
Về thương mại song phương, theo số liệu của Cơ quan thống kê LB Nga, năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 3,7 tỷ USD. Dự kiến, năm 2013, con số này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD. Cần phải nhấn mạnh rằng, máy móc thiết bị chiếm 65% tổng xuất khẩu của LB Nga sang Việt Nam.
Cùng với thương mại, tiềm năng trong hợp tác đầu tư là rất lớn và đạt tăng trưởng tốt. LB Nga đang là một trong những nhà đầu tư lớn hàng đầu của châu Âu vào Việt Nam và cũng là một trong ba nước tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam lớn nhất. Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư của các DN LB Nga vào Việt Nam là hơn 3,5 tỷ USD. Ngược lại, Việt Nam đang triển khai các dự án đầu tư tại LB Nga với tổng giá trị 1,7 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí.
Tiềm năng hợp tác giữa chúng ta còn rất lớn. Tôi xin lưu ý rằng, lãnh đạo hai nước đã đề ra nhiệm vụ tăng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Để thực hiện được nhiệm vụ đề ra cần phải đa dạng hóa các cơ chế và công cụ hỗ trợ từ phía Nhà nước. Một trong số đó là Tổ công tác cấp cao đứng đầu là hai Bộ trưởng Bộ Công Thương của hai nước, thành lập tháng 11/2012, nhằm xây dựng nên những tiền đề để gia tăng mạnh mẽ hợp tác đầu tư vào những dự án có tính chất dài hạn.
Tôi cho rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước cho phép khai thác tối đa những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất của Việt Nam – LB Nga, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ông có thể cho biết những kết quả đã đạt được trong các dự án hợp tác gần đây của hai nước?
Các DN LB Nga đang hoạt động tích cực ở thị trường Việt Nam. Các công ty dầu khí LB Nga như Zarubezhneft, Gazprom, Rosneft đã phát triển và mở rộng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, tham gia các dự án đầu tư lọc hóa dầu tại Việt Nam và các dự án của PetroVietnam tại LB Nga.
Cụ thể, Công ty Zarubezhneft - thành viên Liên doanh Vietsovpetro trong năm 2012, đã đạt doanh thu hơn 5 tỷ USD từ bán dầu. Lợi nhuận của các thành viên hai phía Nga và Việt Nam là hàng trăm triệu USD. Cuối năm 2012 đầu năm 2013, một số hợp đồng đầu tư khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam với tổng giá trị lên đến 400 triệu USD đã được ký kết giữa Công ty Zarubezhneft và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Mới đây, trong năm 2013, với việc mua lại cổ phần của Công ty TNK BP (công ty liên doanh giữa Nga và Anh) - Công ty dầu lửa lớn nhất của Nga Rosneft đã vào thị trường Việt Nam. Một công ty lớn nữa của Nga là Gazpromneft đang nghiên cứu đầu tư lớn vào lĩnh vực chế biến dầu tại Việt Nam. Công ty khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom cũng đang triển khai các hợp đồng dầu khí lớn ở 7 lô trên thềm lục địa Việt Nam.
Các liên doanh có vốn đầu tư của Việt Nam đang hoạt động tại Nga cũng đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2012, Công ty liên doanh Rusvietpetro khai thác được hơn 2 triệu tấn dầu.
Ngoài ra, hợp tác trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 đang tiến triển từng bước. Như vậy, có thể khẳng định rằng, những dự án và kế hoạch chung của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng đang đặt nền móng cho sự hợp tác mang tính chất lâu dài và có lợi cho cả hai bên.
LB Nga đã được tín nhiệm chọn là đối tác cung cấp tín dụng và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận 1 của Việt Nam. Ông có thể cho biết về những thế mạnh về công nghệ mà Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam?
Trước hết, tôi khẳng định rằng, các nhà máy của chúng tôi đang vận hành thành công không chỉ ở Nga mà còn ở nhiều nước khác.
Nga đã đề nghị xây dựng các tổ máy của nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 theo công nghệ Nga thế hệ thứ 3+, đó là lò phản ứng nước-nước (PWR). Các tổ máy tương tự được đưa vào vận hành ở Bushehr, Iran và đã cho thấy khả năng chống địa chấn rất tốt; hiện nay nó cũng đang được đưa vào hoạt động ở nhà máy điện nguyên tử Kudankulam (Ấn Độ) và đang được xây dựng ở Xanh Petecbua, Novovoronezh, Rostov, Nga.
Cũng phải nói thêm về tính tiết kiệm cao và an toàn của các nhà máy điện nguyên tử Nga thế hệ này. Chúng kết hợp cả hai hệ thống an toàn chủ động và thụ động nhiều lớp lặp đi lặp lại.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, đề xuất của Nga mang tính tổng thể. Chúng tôi tham gia đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở pháp lý, thành lập trung tâm khoa học mới, đảm bảo thực hiện dự án bằng nguồn tín dụng nhà nước.
Sự xuất hiện một ngành công nghệ cao như vậy ở Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra một hiệu ứng lan rộng để đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp liên quan và góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế và nâng cao mức sống người dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo VEN