Thứ ba, 14/01/2025 | 06:51 GMT+7

Đức phát triển năng lượng sạch, bền vững

08/07/2013

Các nguồn tài nguyên dự trữ trên trái đất như than và khí đốt, các dòng chảy của sông ngòi và thác nước, các mỏ uranium và thorium đang được khai thác để tạo nên các nguồn nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân rồi cũng sẽ đến lúc cạn kiệt.

Mai Anh

Các nguồn tài nguyên dự trữ trên trái đất như than và khí đốt, các dòng chảy của sông ngòi và thác nước, các mỏ uranium và thorium đang được khai thác để tạo nên các nguồn nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân rồi cũng sẽ đến lúc cạn kiệt. Chỉ còn lại gió và ánh sáng mặt trời, mặt trời chính là nguồn năng lượng bất tận.

Cùng với gió, ánh sáng mặt trời là nguồn tài nguyên tự nhiên "trời cho", quá rẻ hay gần như không có giá. Nguồn ánh sáng hay nguồn năng lượng phát ra từ mặt trời gần như vô tận cùng với sự "vô tận" của bản thân mặt trời.
 
Trái đất, dù chỉ nhận được một phần vô cùng nhỏ bé trong tổng năng lượng mặt trời phát ra, nhưng "phần nhỏ bé" đó đối với nhu cầu của cả loài người cũng là con số vô cùng lớn. Thực vậy, phần năng lượng mặt trời đến với hành tinh chúng ta lớn đến con số 174 Petawatt (PW).
 
Theo GIZ châu Âu hiện chi phối 3/4 tổng công suất lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, còn trong lĩnh vực điện gió thì Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã tăng gấp 3 lần công suất trong thập niên trước.
 
Quả không sai, trên quãng đường gần 700 km từ Berlin đến Bavaria, Đoàn công tác tận mắt chứng kiến rất nhiều hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời được xây dựng. HTX năng lượng dân sinh BENGEL là địa chỉ trong lịch trình công tác của Đoàn cán bộ cấp cao Liên minh HTX Việt Nam đến thăm và làm việc.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm Công viên năng lượng mặt trời do BENGEL đầu tư là ông Hillebrand, Chủ tịch HTX BENGEL. Thật ấn tượng khi chứng kiến với 3,8ha đất nông nghiệp nay được HTX thuê 20 năm (có thể kéo dài 30 năm) phủ kín bởi 7.200 tấm pin năng lượng mặt trời, sản sinh ra 1,7 triệu KW/năm được hòa vào lưới điện quốc gia để cung cấp cho dân cư sinh sống trên 10 thị trấn và xã trong vùng.
 
Ông Hillebrand cho biết trong những năm gần đây, năng lượng mặt trời và gió tăng kỷ lục ở Đức bởi những ưu thế của nó: an toàn, không gây ô nhiễm môi trường và là nguồn năng lượng vô tận không phải mua. Đây cũng chính là lý do mà BENGEL ra đời. HTX thành lập năm 2011, ban đầu chỉ có 33 thành viên với vốn tự có khoảng 30.000 euro, nay thành viên tăng lên 200 và vốn góp lên tới 950.000 euro. HTX cũng đang góp vốn với một số công ty tư nhân khác để đầu tư vào lĩnh vực điện gió.
 
092e013b2_trang_2anh_bai_chinh.jpg
 
Đoàn công tác chụp ảnh chung cùng lãnh đạo HTX BENGEL
 
Được biết, ban đầu thành lập, HTX cũng gặp khó khăn về vốn phải vay ngân hàng, ngân hàng đòi hỏi vốn tự có tối thiểu 30%, lãi suất 8,5%/năm. Hiện nay, HTX đang đầu tư đến hệ thống thứ 4. Lúc này HTX đã có uy tín, nên ngân hàng chỉ yêu cầu vốn tối thiểu là 20%, lãi suất chỉ còn 6,5%/năm. Trong kế hoạch kinh doanh của HTX, dự kiến sau 13 năm sẽ hoàn trả toàn bộ vốn vay và lãi suất ngân hàng, những năm còn lại sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho xã viên.
 
Ông Hillebrand cho biết thêm, điện sản xuất ra bằng mặt trời, gió đắt so với các hình thức khác như nhiệt điện, thủy điện… khoảng 6 - 8%. Tuy nhiên, người dân ủng hộ và sẵn sàng đầu tư để bảo vệ môi trường. Đây cũng là chủ trương lớn của chính phủ Đức, trong chiến lược năng lượng quốc gia đến 2020 phấn đấu năng lượng mặt trời và gió chiếm 20%, hiện nay 15 - 16%.
 
Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam của đất nước, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2. Ở các vùng phía Bắc, cường độ bức xạ mặt trời thấp hơn, ước tính khoảng 4 kWh/m2, do điều kiện thời tiết với trời nhiều mây và mưa phùn vào mùa Đông và mùa Xuân.
 
Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh của miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm. Tuy nhiên, cho đến nay loại năng lượng này chưa được phát triển ở nước ta. Trong khu vực HTX cũng chưa có tổ chức nào đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Thiết nghĩ BENGEL là mô hình HTX mẫu có thể áp dụng ở Việt Nam trong tương lai gần, khi mà sự thiếu hụt điện năng trầm trọng do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang gia tăng.
 
Kết thúc buổi làm việc với HTX BENGEL, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Đào Xuân Cần cảm ơn những chia sẻ của cá nhân ông Hillebrand cho Đoàn. Chủ tịch nhấn mạnh sự thành công của BENGEL trong một thời gian ngắn như vậy chắc chắn cần có sự quyết tâm rất lớn của đội ngũ lãnh đạo nói chung và cá nhân ông Chủ tịch HTX nói riêng. Phải chăng đây cũng là bài học cho các HTX ở Việt Nam.

  Theo Thời Báo Kinh Doanh