Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:57 GMT+7

Phát triển điện hạt nhân: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

26/06/2013

Chương trình điện hạt nhân (ĐHN) của Hàn Quốc đã được khởi động cách đây gần 55 năm và hiện nay, Hàn Quốc đang là một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ ĐHN lớn của thế giới.

Chương trình điện hạt nhân (ĐHN) của Hàn Quốc đã được khởi động cách đây gần 55 năm và hiện nay, Hàn Quốc đang là một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ ĐHN lớn của thế giới. Những bài học thành công từ chương trình ĐHN của Hàn Quốc sẽ là kinh nghiệm có giá trị đối với những quốc gia đang bắt đầu khởi động chương trình phát triển ĐHN.

927f82bdd_dhn_hanquoc.jpg
 
Chính phủ Hàn Quốc chính thức khởi động chương trình ĐHN bằng việc ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và thành lập Ban Năng lượng nguyên tử trực thuộc Bộ Giáo dục. Để phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN, Hàn Quốc ký hợp đồng xây dựng lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên (TRIGA Mark-II), với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Cùng trong năm 1958, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc được thành lập và khoa đào tạo kỹ thuật hạt nhân trình độ đại học đầu tiên được mở để đào tạo kỹ sư hạt nhân cho những dự án điện trong tương lai.

Năm 1961, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) được thành lập để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (bắt đầu vào năm 1962). Năm 1964, Ban Năng lượng nguyên tử và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc tập trung vào việc ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế và nông nghiệp. Từ năm 1964 đến 1966, Hàn Quốc bắt đầu đánh giá và lựa chọn địa điểm cho nhà máy ĐHN đầu tiên. Năm 1968, kế hoạch phát triển ĐHN dài hạn trong 20 năm tiếp theo được xây dựng dựa trên những kết quả đã đạt được trong vòng 8 năm như: khảo sát, lập kế hoạch, đánh giá và phản hồi về những kế hoạch quốc gia, đánh giá về lựa chọn công nghệ, khảo sát các xu hướng quốc tế, khảo sát địa điểm, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống pháp quy.

Năm 1971, nhà máy ĐHN đầu tiên được khởi công xây dựng theo hợp đồng chìa khoá trao tay và bắt đầu hoạt động thương mại 7 năm sau đó. Với thành công trong việc phát triển công nghiệp hoá chất và công nghiệp nặng như một phần của kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân, Hàn Quốc đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy ĐHN thứ 4 theo phương thức không trao tay với nhà thầu chính nước ngoài và 1 nhà thầu phụ trong nước. Từ năm 1978 đến 1980, Hàn Quốc đã đặt hàng 6 tổ máy sử dụng lò phản ứng nước áp lực (PWR).

Năm 1981, Trung tâm An toàn hạt nhân được thành lập thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc. Năm 1989, Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên dựa trên nền tảng công nghệ và kinh nghiệm của các hoạt động quản lý và khoa học trong nước. Nhà máy ĐHN đầu tiên của Hàn Quốc sử dụng công nghệ OPR 1.000 (Nhà máy ĐHN tiêu chuẩn Hàn Quốc) được chạy thử nghiệm năm 1995. Hiện nay, Hàn Quốc đang nổi lên như một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ ĐHN lớn của thế giới. Thành công trong việc phát triển ĐHN của Hàn Quốc dựa vào các yếu tố sau:

Một là, có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc phát triển ĐHN vì mục đích hoà bình. Việc thực hiện một chương trình ĐHN quốc gia đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc đã xác định việc triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển ĐHN là một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình phát triển quốc gia (cùng với sản xuất thép, hoá dầu và đóng tàu). Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng và triển khai chương trình ĐHN quốc gia với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, sự đồng thuận của công chúng cùng với việc xây dựng những kế hoạch dài hạn.

Hai là, biết kết hợp vốn kiến thức rộng rãi và kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp ĐHN phát triển với việc đảm bảo nguồn nhân lực trong nước có khả năng thực hiện thành công chương trình ĐHN. Trong giai đoạn đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định, các ngành công nghiệp nội địa trong nước không thể đáp ứng được những yêu cầu về đảm bảo chất lượng và công nghệ cho việc xây dựng nhà máy ĐHN.

Theo đó, từ nhà máy điện thứ 4, Chính phủ đã phát triển kế hoạch nội địa hoá nhà máy ĐHN với việc khởi động một hợp đồng không phải chìa khoá trao tay và dần dần tăng cường vai trò của công nghiệp nội địa dưới dạng làm nhà thầu phụ cho nhà thầu chính nước ngoài. Việc tiếp cận quá trình chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc bắt đầu với cách “đào tạo trong khi làm việc” và “tham gia trong khi làm việc” dưới sự chỉ đạo của các nhà cung cấp nước ngoài.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã dần thành lập các công ty trong nước để thiết kế, xây dựng và sản xuất các cấu kiện phục vụ chương trình ĐHN (mỗi công ty thường kết hợp với các viện nghiên cứu được giao kế hoạch nội địa hoá 1 nhà máy ĐHN).

Để có được nguồn nhân lực cho ĐHN, Chính phủ Hàn Quốc đã đảm bảo vị trí và mức lương hấp dẫn cho những nhân sự có trình độ cao trong lĩnh vực ĐHN. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong nước, những chuyên gia nước ngoài đã được Chính phủ Hàn Quốc mời đến tham gia giảng dạy, đồng thời cử các nhà khoa học trong nước đi đào tạo ở những quốc gia có nền công nghệ ĐHN phát triển trên thế giới.

Ba là, đầu tư liên tục cho phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Nhận thức rõ vai trò lãnh đạo của Chính phủ trong chương trình ĐHN ngay từ giai đoạn đầu với sự đầu tư lớn về tài chính, nhân lực và thời gian, Hàn Quốc đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ với những ưu tiên đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở mức cao, mặc dù chương trình ĐHN cần số vốn nhiều hơn rất nhiều so với nguồn dự trữ.

Trong suốt thời gian dài khoảng 20 năm từ khi khởi động chương trình ĐHN quốc gia vào năm 1958 đến khi đưa vào vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên, Hàn Quốc đã bắt đầu với khoản vay từ Ngân hàng EXIM (Ngân hàng xuất nhập khẩu) dưới hình thức tín dụng của KEPCO vì lượng ngoại tệ dự trữ của Hàn Quốc không đủ. Chính phủ Hàn Quốc đảm bảo cho khoản vay và đưa ra một cam kết mạnh mẽ cho ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Với sự đảm bảo chắc chắn của Chính phủ, các công ty trong và ngoài nước có thể tin tưởng và tích cực tham gia vào chương trình ĐHN quốc gia. Giảm thiểu rủi ro và tính bất ổn về tài chính là những mục tiêu chính của cơ chế quản lý nhà nước để thúc đẩy và đảm bảo sự thành công của chương trình ĐHN của Hàn Quốc. Thậm chí khi sự cố Three Miles Island và Chernobyl xảy ra, trong khi rất nhiều nước đã dừng chương trình ĐHN, Hàn Quốc vẫn duy trì việc phát triển ĐHN và hơn nữa đã tiến một bước dài trong quá trình phát triển công nghệ ĐHN nhằm cải thiện tiêu chuẩn an toàn và độ tin cậy vào hệ thống nhà máy ĐHN của mình.

Bốn là, chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân. Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy về an toàn hạt nhân. Các kinh nghiệm trong việc xây dựng khuôn khổ pháp quy về an toàn ĐHN của các nước có nền công nghiệp ĐHN phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga,... đã được Chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu tham khảo và vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo vào thực tiễn trong nước. Do vậy, hệ thống pháp quy về việc đảm bảo an toàn ĐHN được Chính phủ Hàn Quốc tổ chức hợp lý và độc lập.

Năm là, có sự phối hợp giữa chương trình ĐHN và chương trình phát triển quốc gia. Chương trình ĐHN luôn là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia của Hàn Quốc. Rõ ràng công nghiệp ĐHN không thể phát triển độc lập nếu không có một cơ chế phối hợp có hệ thống với chương trình quốc gia khác. Để cấp vốn cho một chương trình ĐHN lớn cần phải có cơ sở kinh tế đủ mạnh và phát triển kinh tế chính là động lực để phát triển và mở rộng điện hạt nhân. Ngoài ra, không có cơ sở nền tảng của công nghiệp nặng như cơ khí, hóa chất, vv.. thì một quốc gia không thể thành công trong việc nội địa hóa công nghệ ĐHN.

Hàn Quốc thành công xây dựng nhà máy điện đầu tiên là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia và kế hoạch phát triển công nghiệp nặng - hóa chất. Thành công của chương trình ĐHN đảm bảo một nguồn cung cấp điện dồi dào và ổn định, điều này thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Chính sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã giúp Hàn Quốc tạo ra đủ nguồn vốn để xây dựng những nhà máy khác. Chính sách đúng đắn này là một trong những bài học quý báu nhất từ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, đóng góp vào việc đưa Hàn Quốc thành một trong những nước công nghiệp tiên tiến hiện nay. Những nhà lập kế hoạch năng lượng và lãnh đạo của các nước đang phát triển nên ghi nhớ bài học này.

Sáu là, có chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo hạt nhân quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực có trình độ để khởi động và thực hiện thành công chương trình ĐHN. Cơ quan thực hiện chương trình ĐHN (NEPIO) của Hàn Quốc đã xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ chương trình ĐHN quốc gia. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc bao gồm đảm bảo nhân lực ban đầu chất lượng cao, hỗ trợ việc đi học ở nước ngoài qua các kênh hợp tác với IAEA và Hoa Kỳ, song song với chuẩn bị cho chương trình giáo dục và đào tạo trong nước cho tương lai.

Để có được ngay nguồn nhân lực chất lượng cao, Chính phủ Hàn Quốc đã bảo đảm vị trí cao, mức lương hấp dẫn và đưa ra môi trường làm việc tốt để thu hút nhân lực có trình độ ở các lĩnh vực khác.

Để đáp ứng nhu cầu chuyên môn cao vốn không có sẵn trong nước, Hàn Quốc đã đầu tư đáng kể để mời được những chuyên gia nước ngoài tham gia trong tất cả các giai đoạn của chương trình phát triển ĐHN cho đến tận khi vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên. Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu kế hoạch phát triển nguồn nhân lực bằng chương trình đào tạo tài năng trẻ ở nước ngoài, tạo ra cơ hội đào tạo ở những quốc gia tiên tiến bằng việc tài trợ cho những tài năng trẻ trong và ngoài nước.

Để xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực dài hạn, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các khoa công nghệ hạt nhân (Nuclear Engineering) ở các trường Đại học ngay trong giai đoạn đầu. Năm 1971, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) nhằm đào tạo ra các nhà khoa học và kỹ sư phục vụ nền công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ ở Hàn Quốc vào những năm 1960-1970. Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp tài chính, khuyến khích các chương trình nghiên cứu triển khai về hạt nhân ở các trường đại học, thu hút toàn bộ giới học thuật vào chương trình phát triển nguồn nhân lực hạt nhân quốc gia.

Bảy là, có kế hoạch tuyên truyền về lợi ích của ĐHN và lựa chọn địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ. Phần lớn các quốc gia phải mất 20 năm để có được sự ủng hộ của công chúng đối với việc lựa chọn địa điểm lưu giữ chất thải phóng xạ ở mức thấp và mức trung bình. Trong khi đó, ngay khi đề xuất kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai ngay việc tìm kiếm địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ.

Với việc xây dựng ĐHN, Chính phủ Hàn Quốc đã hợp nhất 3 công ty điện thành một công ty nhà nước (KEPCO) nhằm đảm nhiệm việc khởi động chương trình ĐHN và thiết lập hệ thống sản xuất điện hiệu quả, giá thành phù hợp. Những nỗ lực của Chính phủ đã giúp giảm hao tổn điện năng trong truyền tải và phân phối điện. Với chương trình ĐHN do KEPCO chủ quản, Chính phủ Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào các nỗ lực quốc tế trong việc quản lý vũ khí hạt nhân, bảo vệ an toàn hạt nhân và kế hoạch kinh doanh công nghiệp cho chương trình ĐHN.

Tám là, hợp tác quốc tế tích cực và sự thận trọng với các xu hướng toàn cầu, kết hợp với việc tiếp thu ý kiến phản hồi, đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Một chương trình ĐHN quốc gia cô lập không thể phát triển một cách cạnh tranh vì nó cần được thiết lập để phù hợp với rất nhiều luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, hợp tác quốc tế chặt chẽ và nghiên cứu công nghệ thế giới nhằm đảm bảo an toàn là rất quan trọng, nhất là khi bắt đầu khởi động chương trình ĐHN.

Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác quốc tế nhằm xây dựng năng lực kỹ thuật và nhận được hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng cao. Các hoạt động này đồng thời cũng đóng góp vào việc xây dựng lòng tin quốc tế và khảo sát các xu hướng phát triển ĐHN của các hiệp hội ĐHN thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã cử người ra nước ngoài tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế và thành lập các văn phòng ở nước ngoài. Dựa trên những cố gắng này, NEPIO đã sử dụng một cách hiệu quả mạng lưới thông tin giúp cho việc phát triển chương trình ĐHN Hàn Quốc. Bất cứ khi nào NEPIO phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, những bài học từ các quốc gia tham khảo được thu thập để giúp NEPIO đưa ra kết luận hợp lý.

Trong quá trình phát triển ĐHN, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các đoàn nghiên cứu đặc biệt gồm những thành viên đến từ nhiều tổ chức khác nhau đến thăm các cơ quan chủ chốt tại các quốc gia phát triển để thu thập thông tin và nghiên cứu chính sách của họ trong việc phát triển các nhà máy ĐHN (bao gồm các vấn đề then chốt như công nghệ, hiệu quả kinh tế của các nhà máy, bí quyết tiến hành các chương trình điện hạt nhân, kinh nghiệm xây dựng và vận hành nhà máy, lựa chọn địa điểm, chính sách chu trình nhiên liệu, chiến lược đảm bảo nhiên liệu hạt nhân và các lựa chọn tài chính cho nhà máy ĐHN).

Ngoài ra, Hàn Quốc còn thuê một công ty tư vấn nước ngoài để có được sự đảm bảo về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Bằng cách đó, Hàn Quốc đã nhận được các ý kiến phản hồi và đánh giá liên tục từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho việc phê chuẩn kế hoạch dài hạn cho 20 năm từ 1968 tới 1989 bao gồm 5 kế hoạch chi tiết nối tiếp nhau trong các lĩnh vực nội địa hóa lò phản ứng hạt nhân, phát triển nhiên liệu và các vật liệu cấu trúc, đảm bảo nguồn Urani, ứng dụng bức xạ, kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ, nghiên cứu cơ bản, phát triển nhân lực và công nghiệp.

Có thể thấy rằng, kinh nghiệm của Hàn Quốc để trở thành một nước tiên tiến trong lĩnh vực phát triển ĐHN là những bài học quý báu và có giá trị thực tiễn sâu sắc đối với những quốc gia đang bắt đầu khởi động chương trình phát triển ĐHN.
 
Theo NangluongVietnam