Thứ sáu, 03/01/2025 | 10:40 GMT+7

Bài toán điện tái tạo: Bài học từ các quốc gia đi trước

17/06/2013

Năm 2012, Đan Mạch - cường quốc số một về điện gió - có đến 33,8% lượng điện quốc gia được sản xuất từ điện gió. Họ đã làm thế nào để có được thành quả này?

Năm 2012, Đan Mạch - cường quốc số một về điện gió - có đến 33,8% lượng điện quốc gia được sản xuất từ điện gió. Họ đã làm thế nào để có được thành quả này?
 
dcbb18f01_14chot32915.jpg

Từ năm 2009, những trụ điện gió ở Tuy Phong (Bình Thuận) đã phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia.

Những thành công bước đầu của điện gió Việt Nam hiện nay mở ra cánh cửa hy vọng cho cuộc chinh phục nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nếu nhìn sang Đông-Tây thì “cuộc chơi” điện tái tạo Việt Nam vẫn chưa thấm vào đâu. Mô hình hợp tác công-tư (PPP) được đánh giá là “cứu cánh” cho điện tái tạo Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do khả năng xây dựng chính sách và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Thế nên những bài học thực tế từ các quốc gia đi trước sẽ rất cần thiết để Việt Nam tham khảo.

Thu hút đầu tư kiểu Đan Mạch

Đan Mạch được biết đến như cường quốc số một về điện gió. Năm 2010, có đến 21,9% lượng điện của Đan Mạch được sản xuất từ năng lượng gió trên mặt đất và trên biển. Năm 2011, con số này đã tăng lên 28% và chỉ tính đến hết tháng 7-2012, điện gió chiếm 33,8% tổng lượng điện quốc gia Đan Mạch. Thành tựu gần nhất là vào năm 2013, Đan Mạch dự kiến hoàn thành một công viên năng lượng gió trên biển lớn nhất thế giới với tổng công suất gần 400 MW.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị, phát triển hệ thống điện gió của Đan Mạch, ta sẽ không ngạc nhiên về những thành tựu hiện nay của họ. Đan Mạch đã mất trọn 40 năm để tập trung nghiên cứu kiến thức tua bin gió, 20 năm tích lũy kinh nghiệm, toàn cầu hóa và hoàn thành chuỗi giá trị năng lượng gió, thường xuyên giám sát, kiểm tra toàn diện cơ sở máy móc thiết bị… Điều đáng chú ý là Đan Mạch đã sớm hướng đến các nhà đầu tư tư nhân thông qua những chính sách khuyến khích đầu tư rất thuyết phục.

Trước hết là hợp tác công-tư qua mô hình hợp tác xã điện gió quy mô nhỏ (tối đa ba tua bin/cụm). Theo đó, các hộ gia đình được miễn thuế trong hoạt động sản xuất phân phối hoặc tự sản xuất để sử dụng năng lượng gió. Thường thì các gia đình đóng góp cổ phần cho các hợp tác xã tuabin gió nhằm đầu tư tuabin gió cho cộng đồng chung. Như vậy, mô hình hợp tác xã nhỏ lẻ sẽ giúp nước này dễ dàng trong việc đầu tư và quản lý.

Dạng mở rộng của hợp tác xã điện gió loại nhỏ cũng được Đan Mạch chú trọng đầu tư thông qua các chính sách khuyến khích, kêu gọi các công ty tiện ích khác cùng tham gia. Sẽ không ít người ngạc nhiên khi đến thăm Middelgrunden - trang trại điện gió “khủng” nhất thế giới giai đoạn đầu thế kỷ 20 với 20 tuabin, được sở hữu bởi khoảng 10.000 nhà đầu tư, chiếm 50% vốn, phần còn lại do các công ty tiện ích lớn rót vốn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ giá điện, thuế điện…, Đan Mạch còn tập trung xây dựng tính bền vững cho các dự án điện gió thông qua các biện pháp hỗ trợ cho người dân về phương diện cư trú, sở hữu cổ phần đầu tư…

Đức hỗ trợ toàn diện cho nhà đầu tư

Tại Cộng hòa Liên bang Đức, chính sách hỗ trợ của chính phủ mang tính toàn diện hướng đến cả nhà đầu tư (sản xuất) lẫn người tiêu dùng điện mặt trời. Người dân khi sử dụng pin năng lượng mặt trời (NLMT) trong vòng 20 năm sẽ nhận được giá cả ưu đãi. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất điện mặt trời có thể được đảm bảo về đầu ra khi có thể bán điện với giá 50 cent/kWh (trong khi giá điện ở Đức là 20 cent/kWh).

Sau khi Luật về nguồn năng lượng tái tạo của Đức có hiệu lực năm 2000 (và được sửa đổi liên tục đến năm 2012), người sản xuất điện mặt trời càng trở nên an tâm hơn vì họ được nhiều ưu đãi. Theo đó, điện tái tạo được ưu tiên đưa vào điện lưới quốc gia; người sản xuất điện được bán điện với giá ổn định, cao hơn giá thị trường trong thời gian tối thiểu 20 năm để đảm bảo có lãi.

Một ví dụ rất cơ bản, một nông dân Đức được trang bị 10.000 tấm pin mặt trời ở trang trại heo của mình. Nguồn điện sinh ra cung cấp năng lượng cho khoảng 1.500 ngôi nhà gần đó. Vì vậy, người nông dân vừa có thể chăn nuôi heo và vừa trở thành nhà sản xuất điện. Chi phí cho toàn bộ hệ thống được cài đặt là khoảng 5 triệu USD. Đặc biệt, ở Đức nông dân được nhà nước ưu tiên, bảo lãnh để ngân hàng cho vay vốn đầu tư sản xuất điện mặt trời. Với mức giá 50 cent/kWh, người nông dân thu vào khoảng 600.000 USD mỗi năm, sau khi trừ thuế và chi phí, lợi nhuận còn lại khoảng 60.000 USD mỗi năm.

Nếu tư nhân đầu tư NLMT càng sớm thì nhà nước hỗ trợ càng nhiều. Và cứ sau mỗi năm, số tiền hỗ trợ so với năm trước sẽ giảm đi 5%. Điều này kích thích các nhà đầu tư tư nhân tham gia rất sớm vào lĩnh vực này, giúp công suất điện NLMT của Đức mỗi năm tăng hàng trăm %. Tính theo giá điện năm 2009, nhà nước mua lại điện mặt trời với giá 0,43 euro/kWh. Theo số liệu từ Bộ KHCN Đức, tính đến năm 2007, có đến 3.500 GWh điện được sản suất từ NLMT trên toàn lãnh thổ nước này .

Việt Nam và những gợi ý PPP

Trước hết, Việt Nam cần chú ý hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư trong khuôn khổ PPP. Theo đó, Nhà nước nhất thiết phải chia sẻ trách nhiệm đảm bảo nguồn điện quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kèm theo những nguồn lợi nhất định bằng cách cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng điện. Như vậy, rủi ro trong việc cung ứng điện sẽ được chia đều đến các doanh nghiệp tham gia PPP, đồng thời mang lại nguồn lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng.

Cụ thể, cần có những chính sách ưu tiên về giải phóng mặt bằng, cấp đất xây dựng nhà máy điện tái tạo để đổi lấy nguồn công nghệ mới; Nhà nước thông qua EVN đưa ra cam kết về giá cả từng nguồn năng lượng, giải quyết đầu ra trong việc phân phối điện thành phẩm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi trong việc vay vốn đầu tư ngành năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Nhà nước cần “thể chế hóa” PPP để đưa các bên liên quan vào khuôn khổ của mô hình. Theo kiến nghị của TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Việt Nam nhất thiết phải ban hành Luật Đối tác công tư một cách nhanh chóng. Luật này cần bảo đảm những nội dung về lĩnh vực hợp tác cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia đầu tư PPP. Theo đó, phía Nhà nước cần có một cơ sở pháp lý chắc chắn để ràng buộc nghĩa vụ của tư nhân, cũng như đảm bảo được những lợi ích cần thiết mà tư nhân có thể chấp nhận được và đồng ý tham gia vào hợp đồng hợp tác PPP. Khi đó, nếu có tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư tư nhân sẽ có thể tìm tới trọng tài, tòa án để giải quyết. Điều này giúp các nhà đầu tư an tâm, không sợ thiệt thòi khi tham gia đầu tư vào điện tái tạo.

Trung Quốc: Hỗ trợ tối đa người tiêu dùng

Với 350.000 dân, TP Rizhao (Nhật Chiếu) - TP ở phía bắc Trung Quốc - đang sử dụng NLMT để chiếu sáng và đun sôi nước. Bắt đầu từ những năm 1990, trong một chương trình trang bị máy móc của chính quyền địa phương, TP này đã yêu cầu tất cả tòa nhà phải lắp đặt các máy đun nước bằng NLMT. Sau 15 năm thực hiện, 99% các hộ gia đình ở trung tâm đã sử dụng các máy đun nước bằng NLMT.

Để làm được điều đó, chính quyền địa phương, cộng đồng và các nhà sản xuất pin mặt trời đã có “quyết tâm chính trị” rất cao để tiếp nhận và áp dụng công nghệ này. Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã trợ cấp và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp sưởi ấm bằng nước. Chi phí cho máy đun nước bằng NLMT đã được giảm bằng với chi phí của một máy đun nước bằng điện, khoảng 190 USD. (Số tiền này tương đương 4%-5% thu nhập hằng năm của một hộ gia đình trung bình ở Nhật Chiếu và khoảng 8%-10% thu nhập của một hộ gia đình ở nông thôn). Các tấm pin mặt trời được gắn đơn giản vào bề ngoài các căn hộ và TP có trách nhiệm giúp đỡ việc lắp đặt này.

Cạnh đó, TP Nhật Chiếu còn giúp đỡ các nhóm nghiên cứu vấn đề này và hỗ trợ việc quảng cáo sử dụng NLMT trên truyền hình. Đặc biệt, TP này còn ủy thác việc lắp đặt các tấm pin mặt trời cho tất cả tòa nhà mới xây dựng, đồng thời giám sát quá trình xây dựng để đảm bảo việc lắp đặt được diễn ra đúng và phù hợp.

 
Theo Pháp luật TP. HCM