Thứ ba, 05/11/2024 | 19:33 GMT+7

Tìm vốn cho năng lượng tái tạo

11/06/2013

Cơ sở hạ tầng yếu, thiếu vốn, chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là những nguyên nhân khiến các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) của nhiều nước thuộc APEC vẫn tồn tại ở dạng tiềm năng…

Cơ sở hạ tầng yếu, thiếu vốn, chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là những nguyên nhân khiến các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) của nhiều nước thuộc APEC vẫn tồn tại ở dạng tiềm năng…

8602dd32d_nang_luong_tai_tao_71024.jpg

Lĩnh vực NLTT đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực lớn

Thông tin tại Hội thảo APEC về thông lệ tốt trong việc cấp vốn cho các dự án NLTT tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy: Tại các nền kinh tế phát triển, NLTT chiếm khoảng 15% tổng cung về năng lượng, trong khi đó, tại các nền kinh tế đang phát triển, NLTT còn là ngành khá mới mẻ, chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng cung năng lượng.

Nguyên nhân là do đa số các nước đang phát triển trong khu vực APEC đều có đặc điểm chung là cơ sở hạ tầng còn thiếu, nguồn lực hạn chế, đặc biệt là nguồn lực về tài chính. Thực tế này khiến cho các thành viên đang phát triển trong APEC có xu hướng “tụt hậu”, thiếu kinh nghiệm thực tế và chuyên môn so với các thành viên phát triển trong quá trình gọi vốn và cấp vốn cho các dự án NLTT, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực NLTT đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực rất lớn.

Với thâm niên 15 năm làm việc với nhóm chuyên gia trong lĩnh vực NLTT thuộc APEC,  tiến sỹ Cary Bloyd – Chuyên viên khoa học cao cấp – Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (Mỹ) nhìn nhận: Những năm qua, các lãnh đạo APEC đã có nhiều sáng kiến, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển NLTT và năng lượng mới, như: Hội thảo về cấp vốn, sáng kiến hidro, thành phố kiểu mẫu có lượng cacbon, khí thải thấp, sáng kiến cộng đồng năng lượng thông minh… Thực tế, từ năm 1992 đến nay đã có 55 dự án NLTT được Ủy ban chỉ đạo hỗ trợ Kinh tế - Kỹ thuật của APEC hỗ trợ vốn, hoàn thành và đi vào sử dụng. 11 dự án đang tiếp tục được triển khai trong năm 2012-2013, gồm: Dự án sử dụng năng lượng biển (Nga), sử dụng năng lượng hiệu quả và NLTT (Thái Lan); dự án tích trữ năng lượng, thành phố kiểu mẫu (Trung Quốc)…

Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các dự án lại phụ thuộc vào mỗi quốc gia bởi điều kiện địa lý, các chính sách kêu gọi đầu tư của mỗi nước là khác nhau, niềm tin của các ngân hàng vào tính khả thi của dự án cũng khác nhau. Thực tế như ở New Zealan, có nhiều mô hình NLTT do tư nhân kinh doanh rất thành công; hay ở Mexico, ý nghĩa của NLTT được tuyên truyền tới cả các ngân hàng địa phương…

Theo thống kê của UNDP, từ năm 2008 đến nay, đầu tư vào NLTT trên thế giới đã có sự tăng trưởng đột biến, khoảng 17%, tương đương 257 tỷ USD (147 tỷ USD cho năng lượng mặt trời, 84 tỷ USD cho năng lượng gió, còn lại cho sinh khối, điện nhiệt…)

Đồng quan điểm với tiến sỹ Cary Bloyd, bà Anja von Moltke, đến từ chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng: NLTT là môi trường cạnh tranh được dẫn dắt bởi các chính sách của chính phủ. Tham gia vào chuỗi sản phẩm NLTT toàn cầu, các quốc gia phải xác định được, sẽ không có lợi ích trước mắt, nhưng NLTT rất có ý nghĩa trong phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đơn cử, với tư duy sáng tạo, quan tâm trong đầu tư, NLTT đã góp phần thay đổi cơ cấu nền kinh tế Hàn Quốc. Hay như ở Trung Quốc, NLTT đã có những bước tiến vượt bậc. Các tấm pin năng lượng mặt trời đã được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.


Chính vì thế, để kêu gọi vốn hiệu quả, các quốc gia cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, với hệ thống pháp luật minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, giảm rủi ro trong đầu tư. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong đầu tư phát triển năng lượng với việc cân đối giá thu mua sao cho hợp lý…

Là nước có tiềm năng lớn về NLTT, nhưng đến nay, NLTT của Việt Nam mới chiếm 3,7% trong tổng cung năng lượng của đất nước. Theo ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng – Bộ Công Thương): Ngoài thiếu vốn đầu tư, việc tiêu thụ các sản phẩm điện từ nguồn NLTT cũng gặp nhiều khó khăn bởi giá điện khá cao. Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, việc quan trọng là phải trả lời được câu hỏi: Ai sẽ trả chi phí tăng thêm từ NLTT?

Theo CôngThương